Mỗi chúng ta sinh ra ai cũng mong muốn mình được lành lặn và được sống hạnh phúc. Nhưng không phải ai cũng có cái may mắn đó. Xung quanh cuộc sống của chúng ta vẫn còn có rất nhiều mảnh đời bất hạnh như số phận của những đứa trẻ mồ côi hay những người không may bị khuyết tật…Nhưng thiệt thòi nhất mà tôi thấy vẫn là bệnh nhân tâm thần. Họ được ví như “Cái xác không hồn”. Sự khó khăn của họ rất cần những bàn tay chăm sóc, trái tim yêu thương, biết chia sẻ và cảm thông, giúp đỡ để cuộc sống của bệnh nhân tâm thần từng ngày trở nên ý nghĩa.
Tại Trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội có thể nói là mảnh đất hồi sinh, ngôi nhà thứ hai nuôi dưỡng người bệnh tâm thần. Nơi đây đội ngũ cán bộ với lòng nhiệt huyết, sự tận tâm trong công việc chăm sóc và nuôi dưỡng người bệnh tâm thần đã mang lại cho mảnh đời kém may mắn một mái ấm thực sự. Việc làm ý nghĩa đó tạo ra nhiều tấm gương người tốt việc tốt trong toàn đơn vị góp phần tích cực vào phong trào thi đua yêu nước của Trung tâm. Trong những tấm gương ấy người mà tôi cũng như tất cả đồng nghiệp rất nể phục và quý mến đó là đồng chí Chu Thị Sáng – Hiện đang công tác tại phòng Chăm sóc bệnh nhân Sa sút Cách Ly – Trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội. Chị được ví như “nữ y tá luôn hết lòng với người bệnh tâm thần”, xứng đáng là tấm gương sáng cho mọi người học tập và noi theo để mỗi người phấn đấu trở thành tấm gương “người tốt việc tốt” tiêu biểu của Ngành Lao động Thương binh Xã hội và của Thủ đô.
Chị Sáng sống và làm việc trong môi trường rất đặc thù, gắn bó với công việc chăm sóc và nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần sa sút cách ly gần 5 năm nay. Chính sự gắn bó lâu dài đó giúp chị hiểu và thấu những vất vả của công việc chị đang làm, nỗi đau của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân phải trải qua. Bệnh nhân tâm thần nơi chị làm việc với đặc điểm nổi bật là bệnh nhân ốm yếu, nhiều bệnh nhân còn khuyết tật không thể tự đi lại, không tự xúc ăn, không tự mặc quần áo, không tự vệ sinh thân thể của mình, không nhận thức mọi thứ xung quanh. Nhưng với tấm lòng của người thầy thuốc y đức trong lương tâm của người cán bộ chị đã không ngại khó khăn, sự nguy hiểm của công việc giúp cho người bệnh bằng tất cả tình cảm của mình để người bệnh luôn sạch sẽ, ăn uống đầy đủ, được quan tâm giúp đỡ phục hồi tình trạng bệnh tật, được ở môi trường thoáng mát. Tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương của chị càng được thể hiện hơn khi chứng kiến chị chăm sóc cho bệnh nhân tâm thần không may bị mắc bệnh Lao. Chị không màng đến sự nguy hiểm của bản thân hàng ngày vẫn cặm cụi vệ sinh, điều trị, tiêm truyền cẩn thận và thăm hỏi nhiệt tình, hướng dẫn cụ thể chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân của mình.
Sự nhiệt huyết và trách nhiệm trong công việc của chị còn được thể hiện việc đầu tiên trong ngày khi chị đến nơi làm việc như một thói quen chị vào kiểm tra các bệnh nhân xem ai có ốm đau hay bất thường gì không để kịp thời phát hiện và xử lý. Có lần tôi cũng như các đồng nghiệp trong tổ chứng kiến có bệnh nhân không may bị thương ở đầu. Chị tác phong nhanh nhẹn lau rửa sạch sẽ vết thương và hỗ trợ các y sỹ khâu vết thương. Thấy bệnh nhân đau chị ân cần hỏi han nhẹ nhàng cho người bệnh quên đi những cơn đau. Chính cử chỉ ân cần và sự chăm sóc tận tâm của chị nên bệnh nhân trong khoa ai cũng yêu quý chị. Những lúc bớt tất bật với công việc thì chị lại dành thời gian nói chuyện với bệnh nhân và tổ chức cho họ những hoạt động văn nghệ nhẹ nhàng để đời sống tinh thần bệnh nhân được thoải mái. Chính sự quan tâm đó chị đã trở thành người bạn, người thân đối với mỗi người bệnh. Những lúc bệnh nhân nhớ nhà hay có tâm trạng không tốt như một thói quen họ tìm đến chị và chị luôn tâm sự, chia sẻ, tôn trọng họ giúp bệnh nhân ổn định, yên tâm điều trị.
Việc khó khăn nhất trong chăm sóc người tâm thần chính là lúc cho bệnh nhân ăn và vệ sinh thân thể cho họ. Nhưng với sự nhẹ nhàng, khéo léo của một nữ y tá bệnh nhân ốm yếu trong tổ đều được chăm sóc chu đáo từ bữa ăn đến giấc ngủ. Được tắm rửa, vệ sinh thân thể một cách sạch sẽ. Có trường hợp bệnh nhân ốm mệt, bỏ ăn hay không tự ăn được. Tôi thấy chị nhẹ nhàng cầm bát cháo lên động viên, dỗ dành bón cho bệnh nhân từng thìa cháo. Nhiều khi gặp phải trường hợp bệnh nhân lên cơn hất cả tô cháo, bát cơm nóng vào người. Nhưng chị vẫn rất điềm tĩnh, kiên trì dọn dẹp và cho bệnh nhân ăn tiếp. Rồi có đêm trực chị còn thức trắng để theo dõi, chăm sóc cho bệnh nhân bất thường để không xảy ra những điều không may mắn cho bệnh nhân.
Những hành động chăm sóc, quan tâm đến bệnh nhân của chị chỉ có thể xuất phát từ tấm lòng yêu nghề thực sự, từ y đức của người cán bộ y tế, xuất phát từ người có trái tim yêu thương với người khác, biết cảm thông, chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn thì chị mới có thể làm được như vậy.
Trong giai đoạn hiện nay trước mặt trái của kinh tế thị trường đã làm thương mại hóa y đức của một số cán bộ Ngành y nhưng với tấm gương của chị Sáng thực hiện lời dạy của Bác “lương y như tử mẫu” bằng chính việc làm thường nhật nhưng chứa trọn tình thương với những người bệnh tâm thần thuộc nhóm yếu thế trong xã hội rất cần có sự đồng cảm, sẻ chia và chăm sóc. Không có gì ý nghĩa hơn khi bệnh nhân của chị có sức khỏe, có được tình yêu thương từ chính bàn tay chị và những đồng nghiệp trong công tác chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại đơn vị.
Tôi rất may mắn khi bắt đầu làm quen với công việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần được vào làm cùng tổ với chị. Mọi bỡ ngỡ cũng như khó khăn trong công việc đều được làm quen một cách nhanh chóng bởi nhờ sự hướng dẫn tận tình của chị. Hình ảnh ban đầu khi nhìn thấy những bệnh nhân la hét, nói cười chửi bới một mình, làm cho ai khi nhìn thấy lần đầu cũng hoảng. Nhưng khi chứng kiến chị giao tiếp, chăm sóc bệnh nhân, chia sẻ cho tôi từng hoàn cảnh của bệnh nhân. Tôi hiểu hơn về bệnh nhân tâm thần và thực sự thấy nể và cảm phục chị. Cũng từ đó tôi học được ở chị sự tận tâm, lòng hi sinh, tinh thần trách nhiệm và hơn hết đó chính là cái tâm trong nghề nghiệp để giúp những mảnh đời bất hạnh có cuộc sống tốt đẹp hơn. Không chỉ có tôi mà rất nhiều đồng nghiệp cảm thấy được làm cùng chị là một điều may mắn. Chúng tôi học được ở chị nhiều điều ý nghĩa. Trong những lúc chị em trong tổ họp hành ngồi chia sẻ công việc với nhau chị đã chia sẻ với chúng tôi “Chăm sóc một người bệnh ốm yếu trong gia đình đã khó, việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần còn khó hơn. Vì vậy bản thân chúng ta làm việc ở đây phải có cái tâm, biết giúp đỡ người bệnh, chăm sóc họ như người thân, giúp họ giảm bớt thiệt thòi trong cuộc sống”. Các anh chị em trong tổ rất cảm phục tấm lòng của chị. Chị là một người tốt bụng, hòa đồng biết khơi dậy lòng yêu nghề của mọi người xung quanh.
Ở chị không chỉ giỏi chuyên môn, tận tâm trong công việc, chân thành với đồng nghiệp. Trong gia đình chị còn là người vợ hiền, người mẹ đảm đang. Tất bật với công việc là vậy nhưng tôi chưa bao giờ thấy chị lơ là trách nhiệm làm vợ, làm mẹ. Chị nuôi con khỏe, dạy con ngoan, chia sẻ những khó khăn vất vả trong gia đình với chồng. Chị xứng đáng tiêu biểu cho tấm gương người phụ nữ “giỏi việc nước đảm việc nhà”.
Những tấm gương sáng như chị đã góp phần không nhỏ vào nhiệm vụ chuyên môn của phòng, của đơn vị và góp phần xây dựng môi trường làm việc kỷ cương, tình thương, trách nhiệm. Xây dựng Trung tâm vừa là nhà vừa là bệnh viện và vừa là môi trường sống tốt nhất cho bệnh nhân tâm thần. Những đóng góp thầm lặng của chị tôi không biết nói gì hơn nữa để diễn tả tình cảm của mình dành cho chị. Đó chính là sự yêu quý và khâm phục. Tôi có thể khẳng định rằng một người phụ nữ có dáng hình nhỏ bé như chị nhưng lại làm được nhiều việc to lớn, ý nghĩa cho đời.
Có thể nói chị là tấm gương sáng trong môi trường đặc thù của Trung tâm. Nơi mà những cán bộ làm việc tại nơi đây luôn phải có lương tâm đạo đức và trách nhiệm của cả hai ngành. Với ngành Lao động thương binh và xã hội luôn phải có ý thức tận tâm tận lực thay mặt xã hội chăm sóc cho đối tượng thiệt thòi và bất hạnh. Với Ngành y tế là phải thực hiện tốt mười hai điều y đức để giúp những người tâm thần mau bình phục. Qua bài viết này tôi mong muốn nhân rộng hơn nữa những tấm gương điển hình người tốt việc tốt như chị Chu Thị Sáng để mọi người cùng học tập và noi theo, nó sẽ được lan tỏa đến mọi người, góp phần xây dựng Trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội là nơi có chế độ chăm sóc người tâm thần tốt nhất, có nhiều bông hoa đẹp nhất “người tốt việc tốt” của thành phố Hà Nội.
Đỗ Thị Oanh – Phòng Nghiệp vụ Công tác xã hội