Dáng người nhỏ thó, thoăn thoắt đi đến các Tổ chăm sóc bệnh nhân để thăm khám, điều trị rồi lại thoăn thoắt đến vườn thuốc nam thu hái, chăm sóc cho cây thuốc, công việc lặp đi, lặp lại hàng ngày tưởng như vô vị ấy lại làm nên giá trị của cuộc sống, giá trị của niềm tin và giá trị của y đức.
Nếu ai tiếp xúc với anh lần đầu chắc là chẳng dám đặt niềm tin, gửi gắm người thân cho một người có ngoại hình nhỏ loắt choắt, da đen cháy, ánh mắt ướt có vẻ gì đó “nữ tính” để chăm sóc điều trị. Nhưng làm việc cùng anh mới thấy bên trong con người bé nhỏ đó lại tràn đầy năng lượng sống, sức làm việc không ngừng nghỉ đem lại những niềm tin vững chắc về chuyên môn.
Y sỹ – Phùng Văn Bằng, anh sinh năm 1991, vào Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội công tác từ năm 2013 và được phân công về nhận nhiệm vụ tại phòng Y tế – Nuôi dưỡng (nay là phòng Y tế) Trung tâm.
Làm việc tại phòng có chức năng nhiệm vụ khám và điều trị cho 600 bệnh nhân tâm thần mạn tính, đây là những bệnh nhân tâm thần khuyết tật đặc biệt nặng, ngoài bệnh tâm thần, bệnh nhân còn mắc nhiều căn bệnh thông thường và các bệnh truyền nhiễm khác như lao phổi, viêm gan… Nhiệm vụ khó khăn vất vả, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, rủi ro cao, đặc biệt là liên quan đến các bệnh truyền nhiễm. Ngoài công việc chuyên môn khám, điều trị cho bệnh nhân về bệnh lý tâm thần, anh còn được phân công nhiệm vụ là kỹ thuật viên xét nghiệm lao và chăm sóc trồng cây thuốc nam của phòng.
Nhớ lại những ngày mới chập chững vào nghề với bao cảm xúc lẫn lộn lo lắng, sợ hãi khi chứng kiến hình ảnh bệnh nhân cười khóc, ngây dại thậm trí la hét chửi bới inh ỏi…, là y sỹ đa khoa bản thân không hề có chút kiến thức gì về lĩnh vực mình sẽ làm. Nhưng bằng ý thức trách nhiệm, sự đam mê và xác định đây là cái “nghiệp” mà mình sẽ gắn bó suốt cuộc đời công tác, anh đã quyết tâm tự mình tìm tòi, nghiên cứu sách vở, trên mạng internet, qua đồng chí đồng nghiệp của mình, tham gia học tập nghiêm túc qua những lớp tập huấn về tâm thần để bồi dưỡng kiến thức các bệnh về tâm thần để có được kiến thức cơ bản về lĩnh vực điều trị, chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần. Chính vì vậy, dù không qua trường lớp đào tạo chuyên ngành tâm thần nhưng giờ anh đã trưởng thành như một “Bác sỹ” tâm thần chính hiệu luôn được bệnh nhân yêu mến, được đồng nghiệp cảm phục, tin yêu nhờ vào sự đam mê, nhiệt huyết và tình yêu nghề nghiệp.
Niềm tin của người bệnh
“Khám bệnh chữa bệnh cho người bình thường đã khó – khám chữa bệnh cho người tâm thần mạn tính còn khó hơn gấp nhiều lần”, đó là câu nói của một Tiến sỹ y khoa về lĩnh vực tâm thần, điều này nói lên thực tế khó khăn trong công tác khám và điều trị cho người bệnh tâm thần mạn tính tại Trung tâm Chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần.
Ai làm việc trong lĩnh vực chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần đều biết, người tâm thần mạn tính đã chuyển sang giai đoạn cuối của bệnh tâm thần, từ ý thức, tư duy, cảm xúc đến lý trí đều xáo trộn, gần như mất khả năng kể bệnh. Cùng với đó là đơn vị thiên về nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng nên những trang thiết bị cho các kết quả cận lâm sàng hoàn toàn không có (máy siêu âm, X – Quang, xét nghiệm…). Sự thiếu thốn về trang thiết bị chính là những khó khăn cho lực lượng y, bác sỹ nơi đây. Để xác định được bệnh lý điều trị cho bệnh nhân không có cách nào khác là thường xuyên sát với quá trình sinh hoạt, ăn, ngủ và các hoạt động hàng ngày của bệnh nhân. Đồng thời phải am hiểu những kiến thức về các bệnh nội, ngoại khoa có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh lý tâm thần và thường xuyên động viên bệnh nhân kịp thời, chia sẻ với bệnh nhân đúng lúc, khen ngợi bệnh nhân đúng thời điểm, tạo niềm tin cho bệnh nhân có như vậy mới có thể khám, điều trị những căn bệnh nội, ngoại khoa khác cho người bệnh tâm thần. Đây chính là phương pháp mà anh – Y sỹ Phùng Văn Bằng đã áp dụng vào trong quá trình khám, chữa bệnh cho người bệnh tâm thần, là thành công mà không phải ai cũng làm được.
Câu chuyện tưởng như hài hước, nhưng đó là câu chuyện thực tôi kể ra đây để minh chứng cho khả năng làm việc của anh. Đó là, khi đồng chí Phó Giám đốc đi kiểm tra các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, khám và điều trị cho bệnh nhân tại tổ B2 – Phòng Chăm sóc bệnh nhân Thuyên giảm, một bệnh nhân nữ tên là Nguyễn Thị Hương ra gặp mặt nhăn nhó, miệng kêu đau bụng dữ dội, yêu cầu lãnh đạo phải cho đi khám. Đồng chí Phó Giám đốc yêu cầu các Y sỹ tại tổ khám cho bệnh nhân nhưng bệnh nhân dứt khoát không nghe, kêu rằng bệnh đau bụng này không ai chữa được chỉ có Bằng ở phòng Y tế mới chữa được. Khi cho gọi y sỹ Bằng xuống, sau khoảng 5 phút thăm khám, đã thấy bệnh nhân tươi tỉnh trở lại và không kêu đau nữa. Khi được đồng chí Phó Giám đốc hỏi sao có thể nhanh như vậy, anh giải thích “Bệnh nhân mắc bệnh tâm thần phân liệt và kèm theo bệnh lý nữa có tên khoa học là Hysteria. Là bệnh thuộc nhóm các bệnh loạn thần tâm căn. Biểu hiện lâm sàng thường gặp nhất là khóc cười, sợ hãi, la hét, ngất xỉu mà không có nguyên nhân rõ ràng. Người bệnh cũng bị rối loạn cảm giác, co giật, đau bụng, đau ngực…và điều đặc biệt bệnh này chỉ cần đàn ông chạm tay vào là khỏi, với bệnh nhân Hương em biết bệnh nhân này nên khi khám em đặt tay vào nơi đau của bệnh nhân và hỏi han động viên vài câu là bệnh nhân khỏi thôi sếp ạ”.
Câu chuyện nghề đấy làm tôi liên tưởng đến câu nói của một đồng chí Phó Giám đốc “ làm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, khám, điều trị và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần phải biết người – biết bệnh thì mới biết chăm sóc, mới biết mà điều trị được”. Có lẽ chính vì nhận thức sâu sắc chỉ đạo đó của lãnh đạo đơn vị nên anh đã dày công nghiên cứu, học hỏi và tìm hiểu bệnh nhân thật kỹ lưỡng thì mới có thể làm được, mới có thể đem lại được niềm tin cho người bệnh đến như vậy.
Anh tâm sự “Chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần được coi như một mặt trận. Đội ngũ y, bác sỹ, cán bộ nơi đây là những chiến sỹ dũng cảm trên mặt trận đó. Hàng ngày họ chiến đấu kiên trì, bền bỉ, quyết liệt để mang lại cuộc sống bình thường trở lại với bệnh nhân. Rất nhiều bệnh nhân khi mắc bệnh tâm thần họ không vượt qua được kì thị của xã hội, hay những bệnh nhân tâm thần hoang tưởng luôn tìm đến cái chết bằng mọi cách, ngay cả bộ quần áo mặc trên người rất nguy hiểm với họ. Anh nắm bắt tâm lý bệnh nhân, tiên lượng mọi tình huống có thể xảy ra, theo dõi sát sao ngày cũng như đêm không để chuyện gì xảy ra với bệnh nhân của mình”.
Sáng tạo trong công việc
Tình yêu và bầu nhiệt huyết tuổi trẻ được anh gửi trọn vào cho công việc, cho những bệnh nhân nơi đây. Không lúc nào anh để mình rảnh rỗi chân tay, tự tìm tòi, tự khám phá ra các biện pháp giúp bệnh nhân của mình cải thiện sức khỏe. Anh cùng với đồng nghiệp của mình đầu tư thời gian gây trồng “vườn thuốc nam” cho bệnh nhân tâm thần. Với mong muốn những cây thuốc quý đó sẽ giúp ích cho bệnh nhân tâm thần hàng ngày họ phải uống rất nhiều thuốc tâm thần mang nhiều độc tố trong người. Anh đã tự mình đi khắp nơi để tìm kiếm những cây thuốc quý về trồng và chăm sóc tại trung tâm. Tìm phương pháp sơ chế để thuốc nam có tác dụng hiệu quả. Nhờ những đơn thuốc thảo dược thiên nhiên đó của anh giúp cho bệnh nhân chữa được nhiều bệnh tật, sức khỏe bệnh nhân được cải thiện mỗi ngày.
Sinh nghề – Tử nghiệp
Được giao nhiệm vụ là thành viên tổ chống lao, anh cùng các đồng nghiệp duy trì chăm sóc, điều trị cho 30 trường hợp bệnh nhân nhiễm lao phổi, trong đó có 12 trường hợp mắc lao kháng thuốc. Anh còn đảm nhiệm chuyên trách công tác xét nghiệm lao cho bệnh nhân, mỗi khi tại các tổ chăm sóc bệnh nhân phát hiện những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh lao. Anh trăn trở “hiện tại Trung tâm đang tiềm ẩn các ổ bệnh lao mà rất khó để phòng chống, mình mong muốn toàn bộ bệnh nhân được khám sàng lọc bệnh lao, từ đó có những giải pháp cụ thể cho công tác phòng chống lao tại trung tâm, có làm được như vậy mới phòng, chống lây chéo giữa bệnh nhân với cán bộ và giữa bệnh nhân với bệnh nhân”. Sự trăn trở lo lắng đó không ai có thể ngờ chính anh lại là người bị lây chéo căn bệnh lao phổi quái ác, khi phát hiện mình sốt, đi khám chụp X.Quang cho thấy hình ảnh phổi của anh bị tràn dịch, bác sỹ bệnh viện ngay lập tức cấp cứu và thực hiện chọc hút dịch cho anh. Khi tôi viết về anh cũng chính là thời điểm anh phải nằm viện để điều trị theo phác đồ điều trị lao phổi. Anh mắc bệnh và phải điều trị lâu dài trong hoàn cảnh gia đình neo người, bản thân chưa lập gia đình, nhà có mẹ già đang mắc bệnh giờ thêm anh phải nằm viện, khó khăn về tài chính, khó khăn về người chăm sóc. Chứng kiến hoàn cảnh của anh tôi cảm thấy vô cùng cảm phục nhưng cũng chạnh lòng khi nghĩ tới câu nói “Sinh nghề – Tử nghiệp” đã vận vào chính anh một con người hết mình hi sinh vì công việc.
Tấm lòng yêu nghề và sự hy sinh vì nhiệm vụ ấy chính là yêu lấy, thương lấy những con người thiệt thòi trong xã hội và đó cũng sẽ là động lực để anh tiếp tục mang hết khả năng của mình để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh có được cuộc sống đúng nghĩa. Với những gì “cho đi” chân thành từ cái tâm của người thầy thuốc, anh cũng “nhận lại” được tình cảm, tin tưởng người bệnh dành cho mình. Ai cũng biết đến và yêu quý anh, coi anh như vị cứu tinh của cuộc đời họ. Có lẽ đối với anh, đây không chỉ là tình cảm đơn thuần mà chính là sự ghi nhận những cống hiến anh đã dành cho bệnh nhân của mình.
Dù còn nhiều khó khăn trước mắt trong chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân tâm thần, nhưng hình ảnh anh Bằng – cán bộ y sỹ giản dị, hiền hậu, luôn cần mẫn vẫn ngày ngày làm việc vì bệnh nhân của mình. Chúng tôi những người đồng nghiệp của anh dường như thấy yêu hơn công việc của mình. Thấy cuộc sống đẹp hơn khi vẫn còn nhiều tấm lòng nhân ái sống trách nhiệm như anh Phùng Văn Bằng. Khoác trên mình chiếc áo “Blue” những người làm công tác chữa bệnh như anh sẽ tô màu áo trắng thêm trong sáng và đẹp đẽ, xứng đáng với câu nói của Bác Hồ kính yêu “lương y như từ mẫu”.
(Khi biết anh mắc bệnh và đang điều trị Ban Chấp hành công đoàn Trung tâm đã phát động công đoàn viên trong toàn Trung tâm quyên góp được gần 20 triệu đồng, hỗ trợ anh trong quá trình điều trị, món quà đó biết rằng không thể bù đắp những hi sinh vì nhiệm vụ của anh, nhưng đó là thể hiện sự đoàn kết, chia sẻ của những tấm lòng tương thân, tương ái giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp trong lúc khó khăn, hoạn nạn ).
Đỗ Thị Oanh – Phòng Nghiệp vụ Công tác xã hội