MỘT RỪNG CÂY – MỘT ĐỜI NGƯỜI

Ai tiếp xúc lần đầu với vị Giám đốc này có lẽ cũng đều chung một cảm nhận – ông là một con người khó gần, lạnh lùng và có vẻ nghiêm khắc đến mức bảo thủ. Nhưng khi chứng kiến sự chỉ đạo điều hành trên cương vị Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội, thì những dự cảm đó sẽ bị xóa nhòa bởi phong cách làm việc dân chủ, chuyên nghiệp và quyết liệt của người lãnh đạo. Chính phong cách làm việc đó đã thổi luồng sinh khí mới đem lại sự “thay da, đổi thịt” cho một đơn vị đã trải qua 33 năm hoạt động.
Sinh năm 1960, tham gia gần ba năm quân ngũ, khi trở về địa phương, người thanh niên 22 tuổi Phạm Quang Thịnh được nhận vào ngành Lao động thương binh và xã hội Hà Nội làm việc. Đến nay, sau 34 năm công tác, người thanh niên ấy đã trưởng thành và kinh qua nhiều vị trí với 4 đơn vị trực thuộc của Sở. Từ tháng 1 năm 1984 đến tháng 4 năm 1994, phấn đấu phát triển là Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật; năm 1994 đến 2002 được tín nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 4; tháng 10 năm 2002 đến tháng 8 năm 2014 chuyển công tác làm Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động số 5 (nay là Trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma tuý số I Hà Nội).
Tháng 9 năm 2014, đồng chí Phạm Quang Thịnh được điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Khu điều dưỡng tâm thần Hà Nội. Có lẽ đây là trạm dừng chân cuối cùng trong cuộc đời công tác của “người lính Cụ Hồ”.
Ngày đầu đặt chân đến đơn vị, đồng chí tâm sự “cứ tưởng tượng cái cảm giác rời xa đơn vị cũ với cơ ngơi bề thế, khang trang, đầy đủ về trang thiết bị làm việc, phong cách làm việc kỷ cương, kỷ luật chuyên nghiệp để đến nhận nhiệm vụ ở một đơn vị cái gì cũng thiếu, cũng yếu thì như thế nào. Nhìn các khu nhà ở của bệnh nhân cũ kỹ, xuống cấp mốc rêu đầy tường; trang thiết bị làm việc thiếu thốn, lạc hậu; lề lối phong cách làm việc của cán bộ chưa chuyên nghiệp; hệ thống quy chế hầu như không có, đời sống bệnh nhân còn nhiều thiếu thốn, nơi ăn, nơi nghỉ của cán bộ không có. Thú thực trước tình cảnh đó tớ đã nản lòng ..”

Một số hình ảnh của Trung tâm trước và sau khi thay đổi:

Cổng vào đơn vị
Khu nhà công vụ đã được cải tạo
Khu vực tiếp dân và tổ chức thăm gặp

     Nói là nản lòng nhưng vai trò của người đứng đầu đơn vị với 200 cán bộ và gần 700 bệnh nhân đã không cho phép một người lãnh đạo từng trải và kinh nghiệm dừng bước. Bằng ý thức trách nhiệm với đơn vị, với ngành Lao động thương binh và xã hội Hà Nội, đồng chí đã lãnh đạo tập thể cán bộ đơn vị đoàn kết, quyết tâm thay đổi toàn diện, xây dựng môi trường làm việc văn minh – chuyên nghiệp – thân thiện xứng tầm với chức năng nhiệm vụ được giao.

      Thay đổi cảnh quan môi trường

     Ngay sau khi đơn vị được đổi tên, xác định lại chức năng, nhiệm vụ, đồng chí coi việc thay đổi cảnh quan môi trường là việc đầu tiên cần phải làm ngay, và làm một cách quyết liệt. Chỉ trong thời gian chưa đầy ba tháng toàn bộ diện tích vườn vải, vườn mít um tùm, già cỗi, kém hiệu quả được chặt bỏ và thay vào đó là vườn rau sạch xanh mướt đủ các chủng loại do chính đôi bàn tay của cán bộ Trung tâm cùng với những bệnh nhân tâm thần đang trong giai đoạn thuyên giảm chung tay tạo nên, đây vừa là phương pháp lao động trị liệu vừa là nguồn cung cấp rau sạch tại chỗ cho bữa ăn hàng ngày của những người bệnh. Toàn bộ hệ thống hai bên đường nội bộ được trồng thêm nhiều cây xanh mới, cổng chính và khu nhà được xây dựng khang trang, hiện đại hơn. Nơi ăn ở của bệnh nhân được cải tạo, trang trí sạch sẽ, gọn gàng. Ai đến cũng có thể cảm nhận sự thay da, đổi thịt không chỉ môi trường cảnh quan bên ngoài, mà sự thay đổi đó còn được cảm nhận thông qua những nét mặt vui tươi, hồ hởi của cán bộ và bệnh nhân nơi đây.

     Tạo niềm tin và sự gắn bó với nghề bằng quan tâm đời sống cán bộ

     Đảm bảo chế độ, chăm lo đời sống cho 200 viên chức và lao động hợp đồng tạo áp lực rất lớn đối với vai trò người đứng đầu. Chứng kiến cảnh cán bộ đông, đa phần ở xa Trung tâm đến giờ nghỉ trưa không có nơi ăn, chỗ ở. Công việc phục vụ bệnh nhân lại đặc thù nhưng chế độ phụ cấp chưa tương xứng, nguồn thu nhập tăng thêm hàng năm ít ỏi. Trăn trở, băn khoăn đồng chí đã báo cáo đề xuất với Ban Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội Hà Nội, xây dựng cơ chế báo cáo UBND Thành phố áp dụng mức phụ cấp tương ứng với cán bộ làm việc tại các bệnh viện tâm thần. Từ đó mức lương và phụ cấp cho cán bộ tăng từ bình quân 4 triệu đồng lên 6 triệu đồng/1 người/ tháng. Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất hàng năm đồng chí ưu tiên tập trung nguồn kinh phí cải tạo khu nhà công vụ, nâng cấp sửa chữa, làm mới khu nhà ăn tập thể cho cán bộ. Bằng các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đẩy mạnh hoạt động tăng gia chăn nuôi, nâng cao chất lượng phục vụ theo hướng tự cung, tự cấp, từ đó tạo nguồn thu nhập tăng thêm cuối năm đạt bình quân 15 triệu đồng/ 1 người. Nâng cao thu nhập, ổn định nơi ăn nghỉ cho cán bộ trực đã tạo niềm tin và sự gắn bó với nghề nghiệp của hơn 200 cán bộ làm việc nơi đây.
     Nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân là tạo dựng nghề nghiệp bền vững

     Với quan điểm “Có bệnh nhân mới có công việc của cán bộ”, đồng chí đẩy mạnh thay đổi toàn diện công tác chăm sóc, phục vụ bệnh nhân. Đề nghị đầu tư xây mới khu bếp chế biến với hệ thống lò hơi, nồi hơi hiện đại, đảm bảo chế biến phục vụ cho 800 bệnh nhân. Vật dụng bát ăn của bệnh nhân thay mới bằng các khay ăn, thực phẩm từ chỗ mua bên ngoài cung cấp được thay thế bằng cơ chế tự cung, tự cấp, toàn bộ rau xanh, thực phẩm được nuôi trồng tại đơn vị cung cấp cho bữa ăn bệnh nhân, nên chế độ cho bệnh nhân tăng lên đáng kể. Nơi ở của bệnh nhân được đầu tư cải tạo, sửa chữa nâng cấp toàn bộ, giường bệnh được thay thế bằng giường inox. Trang phục bệnh nhân được thay thế bằng đồng phục, từng bữa ăn, giấc ngủ của bệnh nhân được giám sát chặt chẽ. Trật tự, nội vụ của bệnh nhân được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ, tuyệt đối không được có mùi hôi và ẩm ướt. Công việc giữ gìn vệ sinh môi trường, nơi ở của bệnh nhân được gắn trách nhiệm cá nhân, đồng thời là hoạt động thi đua giữa các tổ chăm sóc, quản lý bệnh nhân được kiểm tra, giám sát thường xuyên hàng ngày bằng chế độ kiểm tra chéo nội bộ. Từ những hoạt động thiết thực hướng vào chăm sóc bệnh nhân, coi đời sống và sức khỏe bệnh nhân là trung tâm, là sản phẩm, là kết quả của nhiệm vụ tại các vị trí đã đem lại cho bệnh nhân một môi trường sống sạch, nếp sinh hoạt văn minh, sức khỏe ổn định.

     Quyết liệt trong điều hành xây dựng môi trường làm việc kỷ cương, kỷ luật, văn minh, chuyên nghiệp.
Tiếp nhận đơn vị với cơ cấu tổ chức bộ máy sau 30 năm không được thay đổi, nề nếp tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp, kỷ cương hành chính, quy trình làm việc không được quan tâm. Xác định để thay đổi được quan điểm, tư tưởng làm việc đã ăn sâu vào quan điểm và tiềm thức của cán bộ làm việc tại đơn vị suốt 30 năm qua không phải là chuyện một sớm, một chiều. Các bước tiến hành phải hết sức thận trọng nhưng phải thật sự quyết liệt tạo chuyển biến để tập thể cán bộ nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân, chung tay xây dựng môi trường làm việc mới.

     Bước đầu tiên, đồng chí Giám đốc trực tiếp rà soát lại các văn bản pháp quy thuộc lĩnh vực ngành, căn cứ xây dựng đề án đổi tên, xác định lại chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy đơn vị để xứng tầm với quy mô hoạt động cũng như chức năng nhiệm vụ của đơn vị. Sau khi đơn vị chính thức đổi tên từ Khu điều dưỡng tâm thần Hà Nội thành Trung tâm Chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội với Ban Giám đốc và 07 phòng chức năng, để quản lý toàn diện hoạt động của đơn vị, đồng chí tiếp tục xây dựng, lấy ý kiến góp ý toàn diện của cán bộ và biểu quyết thông qua ban hành hệ thống các quy chế, quy định: Quy chế làm việc; Quy chế kỷ luật; Quy chế đánh giá, xếp loại và bình xét thi đua; Quy chế văn hóa công sở; Quy chế dân chủ cơ sở … và hệ thống các quy định về chức năng nhiệm vụ các phòng chức năng; quy định hệ thống các văn bản phục vụ cho hoạt động hành chính, tiếp dân của đơn vị. Hệ thống quy chế, quy định được trực tiếp Giám đốc quán triệt, hướng dẫn và áp dụng triệt để, các trường hợp vi phạm quy chế, quy định được xử lý nghiêm túc, đánh giá xếp loại công bằng khách quan. Để việc thực hiện Quy chế không trở thành công việc “đánh trống bỏ dùi”, đồng chí quyết định thành lập Tổ kiểm tra công vụ, Tổ kiểm tra, kiểm soát thủ tục hành chính duy trì chế độ kiểm tra hàng tháng về ý thức chấp hành nội quy, quy chế của đơn vị, quy định của ngành và việc duy trì các hoạt động chế độ hành chính của các tập thể, cá nhân trong toàn đơn vị. Từ hoạt động kiểm tra thường xuyên đã phát hiện xử lý kịp thời các vi phạm của cán bộ, các vi phạm đó được đưa vào đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng tháng. Việc đánh giá kịp thời, công bằng và nghiêm túc đã tạo nên ý thức trách nhiệm trong công việc, kỷ cương nề nếp trong thực hiện nhiệm vụ công vụ của tập thể đơn vị.

     Dân chủ, đoàn kết, đổi mới để phát triển
Với cương vị Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm ngay từ những ngày đầu tiếp nhận công việc tại Trung tâm, đồng chí Phạm Quang Thịnh đã coi trọng việc thực hiện quy chế dân chủ trong nội bộ đơn vị. Trải qua nhiều cương vị công tác, là thủ trưởng của nhiều đơn vị và có kinh nghiệm thực tiễn, đồng chí khẳng định chỉ có dân chủ, công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của đơn vị mới tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong tập thể, tạo động lực thúc đẩy ý thức, trách nhiệm làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Quan điểm và phong cách làm việc sát sao đồng chí đã kiến tạo một nền móng vững chắc để xây dựng một tập thể “đoàn kết, dân chủ, kỷ luật, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”. Sự dân chủ, đổi mới của người đứng đầu đơn vị đã đem đến một tư duy mới, phong cách mới tạo nên tinh thần nhiệt huyết của tập thể cán bộ Trung tâm. Chính vì vậy, bất kỳ chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ trưởng đơn vị khi được triển khai đều được tập thể đơn vị quyết tâm thực hiện một cách mạnh mẽ, quyết liệt và đem lại hiệu quả cao nhất.
Ngày hôm nay, sau gần 3 năm chỉ đạo, điều hành đơn vị với phong cách làm việc dân chủ, chuyên nghiệp và quyết liệt ấy đồng chí Phạm Quang Thịnh đã gây dựng được mối đoàn kết, thống nhất vững chắc, góp phần cốt lõi làm nên sự đổi mới sâu sắc, toàn diện, kiến tạo đơn vị thành một mô hình Chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần tốt nhất, đáng tin cậy nhất của Thủ đô Hà Nội.
 Một rừng cây – một đời người
Là người không thích nói về mình, không muốn nghe những lời tán dương, khen thưởng và đặc biệt không thích nói về những điều mình đã làm được, nhưng sự “lột xác” của một đơn vị sau hơn 30 năm là minh chứng cho một nhân cách, đạo đức sáng ngời, một phong cách làm việc đầy nhiệt huyết. Nhìn lại quá trình công tác, cống hiến gần 40 năm của đồng chí, với những cống hiến cho ngành Lao động thương binh xã hội thành phố nói chung và với đơn vị nói riêng, làm tôi lại nhớ đến giai điệu lời bài hát “Một rừng cây, một đời người” của nhạc sỹ Trần Long Ẩn: “Khi nghĩ về một đời người tôi thường nhớ về một rừng cây, khi nghĩ về một rừng cây tôi thường nhớ về nhiều người” …. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai? ai cũng một thời trẻ trai, cũng thường nghĩ về đời mình”. Trong thâm tâm tôi tự hỏi nếu cách đây 3 năm đồng chí chọn việc nhẹ nhàng ở lại đơn vị cũ để thụ hưởng sự an nhàn, thì không biết Khu điều dưỡng người tâm thần mà nay là Trung tâm Chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội có được sự “thay da, đổi thịt” như ngày hôm nay không?
Năm 2017, là năm toàn Đảng, toàn dân thực hiện “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ chính trị khoá XII. Có lẽ trên toàn đất nước Việt Nam có rất nhiều tấm gương học tập và làm theo Bác, nhưng với tập thể cán bộ Trung tâm Chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội thì đồng chí Giám đốc Phạm Quang Thịnh là tấm gương sáng về tư tưởng, đạo đức, nhân cách sống và phong cách làm việc tiêu biểu để các thế hệ cán bộ Trung tâm noi theo. Cuộc sống của chúng ta rất cần có những tấm gương tốt bình dị như đồng chí Phạm Quang Thịnh để ngành Lao động Thương binh Xã hội Thành phố có thêm bông hoa đẹp góp phần rừng hoa đẹp của dân tộc.

Nguyễn Đức Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo