Sau hơn một năm dừng thăm gặp do dịch bệnh covid-19, hoạt động thăm gặp tại Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội đã tổ chức trở lại. Việc tổ chức thăm gặp cho gia đình và bệnh nhân được tổ chức thận trọng và tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng chống dịch trong tình hình mới, đảm bảo an toàn sức khỏe cho bệnh nhân. Nhìn khuôn mặt vui tươi, hạnh phúc của bệnh nhân sau bao ngày gặp người thân mới thấy việc tổ chức thăm gặp có ý nghĩa nhường nào với người bệnh.
Trong công tác chăm sóc điều trị người tâm thần để giúp bệnh nhân điều trị tích cực bên cạnh sự chăm sóc tận tình chu đáo của đội ngũ cán bộ thì gia đình đóng vai trò không thể thiếu để động viên hỗ trợ tâm lý cho người bệnh. Trong suốt thời gian cách ly do dịch covid-19 Trung tâm liên tục tổ chức miễn phí các cuộc gọi qua zalo, video call để người bệnh được gặp gia đình. Cùng với sự động viên và sát sao của cán bộ vì thế trong thời gian dài cách ly tư tưởng bệnh nhân luôn ổn định, không có suy nghĩ tiêu cực. Hiện nay, trong tình hình thích ứng mới với dịch bệnh mọi hoạt động đều trở lại bình thường, để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người bệnh giúp họ hạn chế suy nghĩ tiêu cực, Trung tâm đã tổ chức thăm gặp trở lại.
Trong quá trình thăm gặp tại Trung tâm luôn đảm bảo thực hiện tốt 5K trong công tác phòng chống dịch; không để gia đình tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân và tư vấn gia đình chấp hành nghiêm chỉnh sự hướng dẫn của cán bộ tiếp dân. Tăng cường công tác giám sát quản lý bệnh nhân tại khu thăm gặp. Đồng thời trang cấp thêm khẩu trang, nước sát khuẩn, kính chắn ngăn cách để công tác thăm gặp đảm bảo với phương châm “không chủ quan lơ là trong công tác phòng chống dịch tại Trung tâm hiện nay”.
Khu thăm gặp giờ đây tái hiện như một bức tranh đủ màu sắc, vẽ nên rất nhiều câu chuyện vui buồn với những hoàn cảnh khác nhau. Sự vắng lặng im ắng trong thời gian dài tại khu thăm gặp giờ đây nhường chỗ cho sự nhộn nhịp, đông vui của những câu chuyện rôm rả, những lời hỏi thăm, động viên của gia đình với người bệnh. Đáp lại phía bệnh nhân tỉnh táo là sự đòi hỏi đơn giản điếu thuốc, chai nước, hay cốc nước chè sau đó mới là lời hỏi thăm người nhà, mong muốn được trở về gia đình đoàn tụ. Song song câu chuyện thường tình đó còn bắt gặp hoàn cảnh bệnh nhân lu mờ chỉ biết cho gì là ăn nấy, không nhận ra bố mẹ, anh chị em. Nhìn người thân khuôn mặt u buồn, rơi nước mắt vì thương con mà động lòng người xung quanh. Thương nữa là người bệnh tâm thần khuyết tật không nói được, lên gặp gia đình chỉ biết ú a ú ớ, như một đứa trẻ lúc khóc lúc cười dường như họ cảm nhận được tình cảm từ người thân, vui mừng khi lâu ngày được gặp họ nhưng không biểu lộ được cảm xúc bằng lời nói…
Tổ chức thành công những buổi thăm gặp ý nghĩa, đầy tình cảm đó không thể không kể đến đội ngũ tiếp dân tổ chức thăm gặp tại Trung tâm. Với phương châm: “Đón tiếp người dân như đón tiếp người thân yêu – Chăm sóc người bệnh như chăm sóc chính bản thân mình”. Những câu chuyện cảm động với rất nhiều hoàn cảnh bất hạnh, khó khăn của gia đình đều được lắng nghe, sẻ chia, thấu cảm từ đội ngũ cán bộ tiếp dân nơi đây. Mỗi gia đình đến đây như cảm nhận được sự gần gũi, sự tôn trọng và thân thiện họ dễ dàng cởi mở để được nhẹ lòng.
Việc tổ chức thăm gặp cho gia đình và người bệnh mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc không chỉ góp phần trong công tác quản lý, chăm sóc, hỗ trợ tích cực tâm lý bệnh nhân, xây dựng hình ảnh đẹp Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội “văn minh – chuyên nghiệp – thân thiện”. Hơn hết, là sự tin tưởng, sự trao gửi niềm tin của gia đình người bệnh và cộng đồng xã hội với cơ sở nuôi dưỡng người bệnh tâm thần điển hình, tiên tiến của Thành phố Hà Nội – Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội.
Đỗ Thị Oanh