Tôi viết về anh trong những ngày toàn Trung tâm căng mình chiến đấu với dịch bệnh Covid-19. Cái tên em Covid không còn xa lạ gì với chúng ta nhưng không ai muốn chạm mặt, va đập vào nó. Trong không khí trầm lắng nơi ổ dịch covid-19 mới được phát hiện, với số lượng lớn bệnh nhân tại Trung tâm mắc phải. Vào thực hiện nhiệm vụ vừa quản lý, chăm sóc và vừa chống dịch mỗi cán bộ đối mặt rất nhiều nguy cơ, nguy hiểm. Nhiệm vụ khó nhưng tinh thần của tập thể, đồng đội tôi không hề sa sút. Rất nhiều đồng chí xung phong tuyến đầu chống dịch, hi sinh thời gian chăm sóc người thân mắc covid tại nhà nhường thời gian đó cho người bệnh. Trong số rất nhiều đồng chí người tôi muốn nhắc đến là Anh – Đoàn Mạnh Hào, Tổ trưởng Tổ điều trị A1 – Tổ Chăm sóc bệnh nhân Lao – Phòng Chăm sóc bệnh nhân Sa sút cách ly.
Hiện nay cả nước đang là cao điểm dịch bệnh Covid-19, Trung tâm Chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần đã triển khai toàn bộ các giải pháp, phương án phòng chống dịch với tinh thần quyết tâm nhất. Dịch bệnh vẫn tràn vào Trung tâm đến với bệnh nhân. Số lượng bệnh nhân mắc covid tăng nhanh. Đối mặt với khó khăn trên rất nhiều cán bộ được tăng cường thực hiện nhiệm vụ nhưng không hẳn ai cũng vui vẻ nhận nhiệm vụ bởi họ cũng lo lắng cho người thân, gia đình. Nhưng trước hoàn cảnh hiểm nguy vẫn có đồng chí xung phong đồng hành cùng Trung tâm chống dịch, trong đó có anh Hào, mặc dù biết đợt đi lần này nguy cơ chắc chắn mình sẽ mắc bệnh.
Được biết hoàn cảnh gia đình anh Hào neo người, hai vợ chồng với hai đứa con. Hiện tại vợ và con anh cũng đang điều trị covid tại nhà. Gác chuyện gia đình, để lại hai đứa con nhỏ cho vợ mắc covid-19 chăm sóc. Anh tham gia tuyến đầu chống dịch, chăm sóc những bệnh nhân ban đầu xét nghiệm dương tính tại Trung tâm. Bệnh nhân dương tính được chuyển xuống một khoa riêng biệt theo phương án chăm sóc bệnh nhân F0 tại Trung tâm. Chăm sóc bệnh nhân tâm thần bình thường đã khó, chăm sóc người bệnh tâm thần dương tính càng vất vả hơn. Bản thân người bệnh tâm thần đa phần ốm không biết kêu, sốt, đau đầu hay rát họng đều không biết tả. A Hào cùng với đồng nghiệp của mình hàng ngày thường xuyên kiểm tra nhiệt độ, hỏi han bệnh nhân về các triệu chứng, hướng dẫn bệnh nhân đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, vệ sinh thân thể và nơi ở sạch sẽ, cho bệnh nhân tham gia hoạt động thể dục tại chỗ nhẹ nhàng để nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Công tác chống dịch như chống giặc, Trung tâm như chiến trường, Các Y bác sỹ là những chiến sỹ dũng cảm đi đầu để bảo vệ sức khỏe cho người bệnh. Nơi anh điều trị 3/3 đồng chí đã thành F0 lây nhiễm từ người bệnh trong đó có anh, phải được trải qua thực tế mới thấu hiểu được đội ngũ y bác sỹ điều trị bệnh nhân tâm thần F0 tại Trung tâm vất vả như thế nào. Anh với vai trò là người đứng đầu tổ điều trị F0 trong người mang bệnh, thân thể không được khỏe như bình thường nhưng tôi luôn thấy anh luôn giữ tinh thần lạc quan, yêu đời lan tỏa tư tưởng tích cực cho anh em cùng Tổ vượt qua bệnh dịch và hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất.
Nơi điều trị cho bệnh nhân covid tại Trung tâm đặc biệt hơn bởi bản thân mỗi người Y bác sỹ tham gia trực bên cạnh công việc khám chữa bệnh, điều trị họ còn phải chăm sóc bữa ăn cho bệnh nhân. Tự mình vận chuyển thức ăn, chia xuất cơm cho từng người bệnh và còn hỗ trợ bệnh nhân yếu ăn hết suất. Anh Hào cùng các anh em chia nhau ra vệ sinh dọn dẹp quang cảnh xung quanh Tổ tạo môi trường sạch sẽ, thoáng mát giúp tinh thần thoải mái, suy nghĩ tích cực chiến thắng bệnh dịch cho cán bộ và bệnh nhân tại Trung tâm.
Đi đầu và lan tỏa tinh thần trách nhiệm trong công việc nói chung và trong cộng cuộc phòng chống dịch bệnh covid-19 nói riêng của người cán bộ mẫu mực ngành Y và Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội. Là cán bộ có tuổi nghề trên dưới 10 năm tại Trung tâm. Suốt hành trình 10 năm ấy anh luôn gắn bó với người bệnh sa sút về thể chất, người bệnh không chỉ ngây dại về tâm thần, mà còn khổ đau hơn khi họ còn mang thêm trong mình căn bệnh lao. Có chứng kiến sự khó khăn vất vả công việc của anh, nếm trải công việc mới thấy được sự gian nan chống chọi với bệnh lao khắc nghiệt đến nhường nào. Nơi anh làm việc hàng ngày thiệt thòi đủ thứ, bởi lẽ ai đi qua cũng vội vàng bước đi thật nhanh, khách đến từ thiện cũng không thể đến thăm, gia đình thăm nuôi cũng không dám tiếp xúc… mọi sự quan tâm về mặt tinh thần dường như bị bỏ qua nơi này. Nếu không có lòng yêu nghề, ý chí dũng cảm, tình yêu thương đồng loại và niềm tin mãnh liệt thì chẳng ai có thể làm việc tại một môi trường nguy hiểm như thế.
Đúng vậy, trong những năm chăm sóc bệnh nhân lao vì cái “duyên” với nghề mà cũng đã có nhiều cán bộ bị lây nhiễm bệnh lao, nhưng hình như cái nghề, cái tâm đã ăn sâu vào máu thịt và trở thành một phần cuộc sống không thể thiếu của anh “Mỗi khi bệnh nhân thuyên giảm hoặc khỏi bệnh là anh mừng lắm, hạnh phúc lắm, lúc ấy cảm giác như đã giúp được một cuộc đời bất hạnh có thêm ước mơ và niềm tin trở về cuộc sống bình dị”– Anh nói.
Sát cánh bên bệnh nhân lao suốt một chặng đường dài để giành giật sự sống cho người bệnh và giờ đây anh cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn hơn đồng hành bên người bệnh tâm thần dương tính để bảo vệ sức khỏe cho họ. Không màng nguy hiểm, không sợ gian nguy, không một lời oán thán. Luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Chúng tôi, những người đồng nghiệp thật tự hào về anh, cố lên anh – Người chiến sỹ khoác trên mình bộ quần áo trắng blouse.
Thời gian lặng lẽ trôi, nhiều bệnh nhân khỏi bệnh và rời đi chỉ còn lại đây những trái tim đang ngày đêm thắp sáng ngọn lửa niềm tin, ngọn lửa yêu thương, miệt mài đốt cháy những khó khăn vất vả để trả lại cho đời một cuộc sống mạnh khỏe, bình an cho người bệnh.
Đỗ Thị Oanh