Nhằm giáo dục truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, hướng đến kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022), Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội tổ chức hành trình về nguồn 5 ngày 5 đêm cho 38 cán bộ Trung tâm với nhiều hoạt động thiết thực ý nghĩa.
Điểm đến đầu tiên trong chuyến hành trình về nguồn của đoàn đó chính là Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Hình ảnh nghĩa trang với bạt ngàn những ngôi mộ liệt sĩ trải dài hun hút tưởng chừng như vô tận. Cả khu nghĩa trang Trường Sơn là một màu trắng: màu trắng của những ngôi mộ, của nắng, của khói hương nghi ngút càng khiến chúng tôi không khỏi nghẹn lòng, càng hiểu thêm về giá trị của hòa bình, của độc lập, tự do. “Công lao của các anh, chị mãi ghi công tạc dạ vào dãy núi Trường Sơn và mãi sống trong lòng người dân Việt Nam.
Chia tay với Nghĩa trang Trường Sơn bao cảm xúc nghẹn lòng đoàn đến với chuyến hành trình tri ân thăm Kinh thành Huế, chùa Thiên Mụ. Kinh thành Huế – một trong những minh chứng cho một thời lịch sử vàng son của đất nước đang hiện diện tại nơi này.
Ngày tiếp theo của chuyến hành trình, đoàn được đi tham quan Khu di tích ngã ba Đồng Lộc, nơi gắn liền với tên tuổi của mười cô gái thanh niên xung phong, biểu tượng bất tử của thế hệ trẻ Việt Nam những năm chống Mỹ.
Điểm cuối trong chuyến hành trình, đoàn chọn Quê hương Bác là điểm dừng chân. Làng Sen quê nội và làng Hoàng Trù quê ngoại vẫn lưu giữ những hiện vật gắn với cuộc sống, sinh hoạt bình dị thủa thiếu thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cùng với hành trình về nguồn chuyến đi 5 ngày không thể không kể đến một hoạt động vô cùng thực tế và ý nghĩa của Đoàn thăm quan, chia sẻ, học tập 02 Mô hình chăm sóc quản lý người tâm thần tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Thừa Thiên Huế và Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần tỉnh Quảng Bình. Buổi chia sẻ, trao đổi giữa các Trung tâm đã bồi đắp cho cán bộ giàu thêm kiến thức mở mang tri thức, tiếp cận nhiều cách làm hay sáng tạo trong chăm sóc người tâm thần. Đây là kinh nghiệm quý báu để mỗi Trung tâm áp dụng, học hỏi lẫn nhau cùng nhau xây dựng Mô hình Chăm sóc người tâm thần ngày một tốt hơn.
Hành trình về nguồn đã kết thúc nhưng dư âm và giá trị giáo dục tư tưởng đọng lại trong các thành viên tham gia hết sức lớn lao. Những gì được trải nghiệm cho chúng tôi càng hiểu ý nghĩa đó để lại những bài học tư tưởng sâu sắc với mỗi cán bộ Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội: thêm niềm tin, niềm tự hào, thêm quyết tâm xây dựng Trung tâm nói riêng và xây dựng nền An sinh xã hội của Thủ đô, đất nước ngày một phát triển, phồn vinh, công bằng xã hội.
Đỗ Thị Oanh