Trầm cảm là gì? Dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và cách phòng tránh

  1. Trầm cảm là gì?

Trầm cảm (depression) là một rối loạn khí sắc gây cảm giác buồn và mất hứng thú trong thời gian dài. Rối loạn này ảnh hưởng đến cảm xúc, tư duy, hành vi của người bị trầm cảm và có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác về tinh thần lẫn thể chất.

Những cảm xúc tiêu cực kéo dài do trầm cảm có thể gây khó khăn trong công việc; làm rạn nứt các mối quan hệ bạn bè hoặc gia đình và thậm chí có nguy cơ dẫn đến ý định tự tử.

  1. Triệu chứng nhận biết trầm cảm

Nhìn chung, hầu hết người trầm cảm sẽ có các dấu hiệu như sau:

Chậm chạp hoặc dễ kích động.

Cảm thấy mệt mỏi và mất năng lượng.

Rối loạn giấc ngủ: mất ngủ hoặc ngủ nhiều.

Cảm thấy tự ti, vô dụng, hoặc mặc cảm tội lỗi.

Giảm khả năng tập trung, hoặc thiếu quyết đoán.

Tâm trạng chán nản thường xuyên, gần như mỗi ngày.

Có suy nghĩ đến cái chết; có ý nghĩ tự tử, lên kế hoạch hoặc cố gắng tự tử.

Mất hứng thú đáng kể trong hầu hết mọi việc, mọi hoạt động hàng ngày (bao gồm cả hoạt động tình dục).

Giảm cân đáng kể dù không ăn kiêng; hoặc tăng cân trong một số trường hợp; thay đổi khẩu vị (có thể giảm hoặc tăng khẩu vị).

Cảm thấy buồn hầu như mỗi ngày và hầu hết thời gian trong ngày. Ngoài ra người mắc rối loạn có thể cảm thấy trống rỗng, vô vọng; hoặc dễ khóc. Ở trẻ em và người lớn tuổi có thể biểu hiện bằng sự cáu gắt.

Trầm cảm còn có thể có biểu hiện bằng các triệu chứng cơ thể như: Tim mạch (hồi hộp, đánh trống ngực); Hô hấp (khó thở, thở dài); Tiêu hoá (khô miệng, ợ hơi, đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy…); Đi tiểu nhiều lần; Đổ mồ hôi; hoặc đau đầu…

Tuy nhiên, dấu hiệu trầm cảm của mỗi người là khác nhau. Một số người mắc rối loạn có thể ngủ nhiều hơn bình thường; trong khi một số khác lại không thể ngủ. Ngoài ra, tùy thuộc vào loại rối loạn trầm cảm mà có những tiêu chí chẩn đoán riêng biệt.

  1. Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm

Hiện nay, các nhà nghiên cứu chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra trầm cảm; có nhiều yếu tố kết hợp khiến một người mắc rối loạn này, cụ thể là:

– Di truyền: Nếu có cha hoặc mẹ mắc trầm cảm, tỷ lệ mắc trầm cảm ở con sẽ khoảng 10-25%; nguy cơ sẽ tăng gấp đôi nếu cả cha và mẹ đều mắc trầm cảm.

– Chất dẫn truyền thần kinh: Theo một số nghiên cứu, trong não người mắc trầm cảm có sự thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh serotonin. Ngoài ra, còn có vai trò của dopamine và norepinephrine.

Stress: Căng thẳng do người thân yêu qua đời; hay do khó khăn trong mối quan hệ tình cảm hay bất cứ tình huống gây stress nào cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc trầm cảm.

(Mọi sự vật hay sự việc xung quanh chúng ta đều có thể trở thành tác nhân gây bệnh trầm cảm)

Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm, bao gồm:

– Độ tuổi: Trầm cảm có thể gặp ở mọi lứa tuổi, 50% khởi phát trong độ tuổi từ 20-50, trung bình là 40 tuổi. Hiện nay, tần suất mắc bệnh ở các đối tượng dưới 20 tuổi ngày càng tăng.

– Quanh thời kỳ mang thai và sinh con: Trầm cảm sau sinh là khái niệm cũ. Hiện tại, y học dùng thuật ngữ trầm cảm chu sinh, tức là có thể xuất hiện cả trong thời kỳ mang thai, hoặc sau khi sinh.

– Các yếu tố nguy cơ khác:

Người có mối quan hệ xã hội kém hoặc độc thân, ly dị; Người lạm dụng bia rượu hoặc chất kích thích trong thời gian dài.

Người có tiền sử mắc các rối loạn lo âu, các rối loạn nhân cách hay rối loạn sau sang chấn; Có họ hàng ruột thịt mắc bệnh trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, nghiện rượu hay có hành vi tự sát.

Mắc bệnh nặng hay bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường (đái tháo đường), bệnh tim, bệnh lý thần kinh.

Những sang chấn hay căng thẳng, như bị lạm dụng về thể xác và tình dục, mất đi người mà mình yêu thương, mối quan hệ khó khăn hay vấn đề về tài chính.

Dùng một số loại thuốc như thuốc chữa cao huyết áp hay thuốc ngủ, thuốc an thần…mà không đúng theo chỉ định của bác sĩ (hãy bàn với bác sĩ của bạn trước khi bắt đầu sử dụng hoặc khi ngưng bất kỳ thuốc nào).

  1. Cách phòng tránh bệnh trầm cảm

Duy trì một cuộc sống cân bằng (ví dụ: quản lý căng thẳng, có kế hoạch làm việc và thư giãn phù hợp, tránh cố gắng quá sức) tránh tình trạng căng thẳng kéo dài.

– Tập thể dục: Thường xuyên vận động, tập thể dục mỗi ngày không chỉ giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể mà còn cải thiện được sức khỏe tinh thần, phòng tránh tốt căn bệnh trầm cảm. Trong rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, việc cơ thể được vận động thường xuyên sẽ giúp thúc đẩy quá trình sản sinh các hormone tạo hạnh phúc, nhất là serotonin. Đây là một trong các hormone giúp cho con người cảm thấy vui vẻ, thoải mái và dễ chịu hơn.

– Đảm bảo giấc ngủ:  Khi có được một giấc ngủ trọn vẹn sẽ giúp cho bạn cung cấp được nguồn năng lượng tích cực để hoàn thành tốt các công việc hàng ngày, tránh được các mệt mỏi, căng thẳng, áp lực.

– Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ chất.

– Hạn chế thời gian tham gia mạng xã hội: Một trong các nghiên cứu khoa học nhận thấy rằng, nếu bạn dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội sẽ làm gia tăng khả năng mắc phải các vấn đề về tâm thần, đặc biệt là chứng trầm cảm. Mạng xã hội cũng được ví như con dao hai lưỡi có thể mang lại nhiều lợi ích cho con người nhưng cũng gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe, các mối quan hệ xã hội. Do đó, để phòng tránh tốt căn bệnh trầm cảm bạn nên hạn chế thời gian tham gia vào các trang mạng xã hội.

Hạn chế bớt các mối quan hệ tồi tệ; Xây dựng và duy trì các mối quan hệ tốt đẹp:  Bên cạnh việc hạn chế tiếp xúc với những mối quan hệ tồi tệ thì bạn cần duy trì và xây dựng quan hệ với những người mang đến cảm xúc hạnh phúc, vui vẻ. Khi có thể tạo dựng được những mối quan hệ tốt đẹp sẽ khiến bạn cảm thấy lạc quan, yêu đời hơn. Mỗi khi gặp gỡ và trò chuyện với họ cũng khiến cho bạn cảm thấy thoải mái, dễ chịu và tràn đầy năng lượng.

– Kiểm soát cân nặng hợp lý: Những đối tượng bị béo phì, thừa cân sẽ có lòng tự trọng kém, đôi lúc họ còn nhận được nhiều lời phán xét, chỉ trích tiêu cực khiến cho tâm lý bị ảnh hưởng rất nhiều.

– Viết nhật ký: Viết nhật ký cũng là một trong các thói quen giúp bạn kiểm soát và giải phóng cảm xúc tốt nhất. Việc ghi chép lại những suy nghĩ, hành vi, cảm xúc hàng ngày của mình sẽ giúp bạn giải tỏa được những căng thẳng, khó chịu đồng thời hạn chế các vấn đề về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là trầm cảm.

– Hạn chế sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện: Vì bia, rượu, các chất kích thích chính là nguyên nhân hàng đầu gây nên các vấn đề về sức khỏe tâm thần, phổ biến nhất là bệnh trầm cảm.

(Bia rượu chính là một trong các yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm)

– Kiểm soát tốt các bệnh mãn tính: những đối tượng mắc phải các căn bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường, Alzheimer, mất trí nhớ,….sẽ có tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm cao hơn so với bình thường. Cũng bởi những bệnh lý này cần phải được điều trị trong một khoảng thời gian dài, đôi lúc là cả đời. Những triệu chứng của bệnh kéo dài dai dẳng sẽ gây nên nhiều mệt mỏi, áp lực và khó chịu cho người bệnh.

Bài viết trên đây đã giúp bạn đọc biết được một số cách phòng tránh bệnh trầm cảm hiệu quả. Để có được một sức khỏe tâm thần tốt bạn cần xây dựng cho mình một chế độ sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi lành mạnh. Bên cạnh đó, cần hạn chế và loại bỏ những thói quen, các mối quan hệ xấu để cuộc sống được thoải mái và tích cực hơn. Khi có các dấu hiệu của bệnh hãy liên hệ ngay các bác sỹ chuyên khoa tâm thần để được tư vấn, khám và điều trị sớm.

Điều trị trầm cảm càng sớm, người bệnh càng được chữa khỏi nhanh chóng và ít để lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tinh thần và thể chất, do vậy hãy đi khám ngay khi có những dấu hiệu sớm của bệnh. Trầm cảm là bệnh tâm lý, ngoài việc sử dụng đúng loại thuốc phù hợp thì hiệu quả điều trị bệnh còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng của bác sĩ tâm lý. Do đó, người bị bệnh trầm cảm cần khám và điều trị bệnh ở những địa chỉ uy tín, bác sĩ chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm.

Nếu cần tư vấn thêm về bệnh trầm cảm, hãy liên hệ với Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội, địa chỉ thôn Liên Minh – xã Thuỵ An – huyện Ba Vì – Hà Nội để được tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ giới thiệu các mô hình, dịch vụ, Bệnh viện chuyên khoa để khám và điều trị bệnh. Điện thoại liên hệ: 024.625.92915.

 Ths.Bs chuyên khoa tâm thần Lê Hữu Thuận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo