Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc, quản lý và phục hồi chức năng cho người tâm thần, hướng đến phương pháp quản lý, chăm sóc người bệnh khoa học, chuyên nghiệp và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội xây dựng mô hình Tổ điều trị, chăm sóc kiểu mẫu cho người bệnh tâm thần tại Trung tâm.
Mô hình được áp dụng, triển khai thí điểm với 84 bệnh nhân được chăm sóc tại Tổ điều trị B4 thuộc Phòng Chăm sóc khẩn cấp và dài hạn. Có thể nói đây là một cuộc cách mạng trong công cuộc đổi mới thay đổi những thói quen, nề nếp sinh hoạt hàng ngày với người bệnh tâm thần cũng như lề lối tác phong làm việc đối với đội ngũ cán bộ Trung tâm. Để có được thành công đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt của Ban lãnh đạo Trung tâm và sự kiên trì, bền bỉ, tâm huyết đến từ đội ngũ cán bộ chăm sóc trực tiếp người bệnh.
Ảnh: Cán bộ hướng dẫn bệnh nhân các hoạt động hàng ngày
Mô hình là sự đổi mới toàn diện trong công tác chăm sóc người bệnh, tạo ra cách chăm sóc người bệnh trách nhiệm, chuyên nghiệp, văn minh: từ công tác khám chữa bệnh được thực hiện thường xuyên (đo nhiệt độ, huyết áp, cân nặng, nghe tim phổi…) cho bệnh nhân đến theo dõi sát sao tư tưởng và diễn biến tâm lý người bệnh để kịp thời chữa trị và loại trừ hành vi tiêu cực; đổi mới trong công tác phục hồi chức năng cho người bệnh, tại Tổ xây dựng các câu lạc bộ khác nhau để người bệnh lựa chọn loại hình phù hợp làm sao khuyến khích mọi người bệnh đều có nơi sinh hoạt, giao lưu và phát triển bản thân, từ mô hình nhiều câu lạc bộ được hình thành như câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, câu lạc bộ đọc sách, câu lạc bộ môn cờ tướng, cầu lông, bóng chuyền, câu lạc bộ tự giúp nhau và giúp đỡ người già, yếu trong Tổ; điểm sáng nhất và tập trung nhất của Mô hình là xây dựng phương pháp quản lý bệnh nhân theo hướng “Mở và tự do”, lịch hoạt động trong ngày bệnh nhân được sắp xếp lại phù hợp và khoa học, bệnh nhân được bố trí phòng ở theo hướng “Gia đình thu nhỏ” bệnh nhân tỉnh hỗ trợ bệnh nhân lu mờ, yếu và các thành viên có trách nhiệm tự bảo quản trang cấp, vật dụng cá nhân tại phòng ở, tự chủ động chăm sóc vệ sinh cá nhân, rửa bát, gấp quần áo và chăn màn…
Đến với mô hình chăm sóc kiểu mẫu bệnh nhân được hoạt động đi lại tự do trong và ngoài Tổ, không cần sự giám sát của cán bộ. Họ tự dậy sớm thể dục xung quanh Trung tâm hoặc thể dục tại khuôn viên đơn vị bằng hệ thống máy tập phục hồi chức năng, thực hiện việc ăn cơm xếp mâm như bữa ăn gia đình và được hướng dẫn phục hồi kĩ năng “văn hóa trong ăn uống”. Khác hẳn so với trước kia do tư tưởng sợ bệnh nhân tự do ra ngoài sẽ trốn nên người bệnh bị bó hẹp trong không gian của Tổ, tâm lý không thoải mái, vui tươi hoặc tư tưởng việc ăn cơm bằng mâm bệnh nhân sẽ tranh nhau và khó quản lý nhưng với sự thay đổi hiện tại kết quả hoàn toàn khác mỗi bệnh nhân ý thức và trách nhiệm hơn, ăn uống mời chào, quan tâm gắp thức ăn cho nhau rất tình cảm không khác gì mâm cơm gia đình ấm cúng mà ở đó các thành viên vui vẻ quây quần bên nhau mỗi ngày.
Ảnh: Mâm cơm gia đình
Ảnh: Bệnh nhân chạy tự do buổi sáng tại Trung tâm
Ảnh: Bệnh nhân tham gia hoạt động thể thao
Trong gần hai tháng thực hiện Mô hình, mặc dù chưa đánh giá kết quả toàn diện các nội dung đổi mới, mô hình kiểu mẫu trong chăm sóc điều trị bước đầu cũng gặp không ít khó khăn, vất vả. Khó khăn trong thay đổi phong cách, lề lối làm việc cũ của cán bộ, tư tưởng ngại thay đổi, số cán bộ chăm sóc bệnh nhân tại Tổ ít. Đặc biệt là đặc điểm tâm lý của bệnh nhân tâm thần, ngại thay đổi, không ổn định, hành vi rập khuôn định hình, máy móc. Nhưng với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Đảng uỷ, Ban giám đốc Trung tâm, sự kiên trì, đoàn kết của tập thể cán bộ bước đầu mô hình đã thu được kết quả tích cực thay đổi nề nếp lối sống của người bệnh. Đa phần người bệnh phục hồi tốt kĩ năng cơ bản, chủ động trong công tác phục vụ cá nhân, dần dần hình thành nếp sống thói quen chủ động trong cuộc sống. Các mô hình câu lạc bộ phục hồi chức năng được hình thành và duy trì đang góp phần hiệu quả giúp bệnh nhân sống vui, sống khỏe và tăng khả năng hòa nhập xã hội. Bên cạnh đó, rèn luyện, bồi dưỡng kĩ năng, phương pháp làm việc khoa học cho đội ngũ cán bộ trong chăm sóc, quản lý người bệnh tâm thần. Nâng cao ý thức, trách nhiệm, tình yêu nghề với bệnh nhân và nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Với kết quả đạt được, mô hình kiểu mẫu xây dựng Trung tâm là môi trường sống thân thiện, gần gũi, tự do, thoải mái, tạo sự kết nối, gắn bó lâu dài cho người bệnh với Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội – Coi nơi đây là ngôi nhà thứ hai của mỗi người bệnh.
Ảnh: Thay đổi trong nếp sống sinh hoạt hàng ngày
Bằng sự quyết liệt, sát sao của Đảng uỷ, Ban giám đốc, sự nỗ lực, cố gắng của tập thể đoàn kết, thống nhất Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội đang từng ngày đổi mới, sáng tạo và không ngừng thay đổi đáp ứng với nhiệm vụ yêu cầu khó khăn, phức tạp cấp trên giao cho đặc biệt trong giai đoạn chuẩn bị bước sang cơ chế tự chủ. Với việc áp dụng thành công Mô hình kiểu mẫu trong chăm sóc và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, sự gắn bó lâu dài của người bệnh, sự tin tưởng tuyệt đối của gia đình mà hơn hết là bước đầu tạo dựng sự nền tảng vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi của nhiệm vụ chính trị được giao đó là thực hiện “Cơ chế tự chủ” trong thời gian tới.
Đỗ Thị Oanh