Động kinh không chỉ là một rối loạn thần kinh mà còn là một thách thức lớn trong cuộc sống hàng ngày của những người mắc phải. Mỗi cơn giật không chỉ là một phản ứng cơ thể đơn giản mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến tâm trí và tâm hồn họ.
1.Động kinh là gì?
Động kinh là thuật ngữ để chỉ các cơn động kinh ngắn, đột ngột, có xu hướng chu kỳ và tái phát, xảy ra do các nơ ron thần kinh phóng điện một cách đột ngột, quá mức, dẫn đến rối loạn chức năng thần kinh trung ương (vận động, cảm giác, giác quan, thực vật,…). Động kinh biểu hiện rất đa dạng có thể biểu hiện ra bằng cách co giật, mất ý thức (có thể trong một khoảng thời gian ngắn thoáng qua, ngừng công việc đang làm hoặc nhìn chằm chằm vào khoảng không), vận động bất thường hoặc có triệu chứng cảm giác bất thường. Một số người động kinh hiếm khi bị co giật. Bất tỉnh là biểu hiện thường gặp trong hoặc sau cơn động kinh. Cần hiểu rằng động kinh không phải bệnh tâm thần và cũng không phải dấu hiệu của sa sút trí tuệ. Giữa các cơn động kinh, người bị động kinh hoàn toàn bình thường. Song, đây là tình trạng mạn tính và cần chăm sóc y tế thường xuyên. Đo điện não đồ là cách chẩn đoán động kinh.
2. Nguyên nhân gây ra động kinh:
Động kinh xảy ra tự phát hoặc xảy ra sau một tổn thương não. Động kinh ở người trên 20 tuổi chủ yếu là do tổn thương tại não như:
– Chấn thương sọ não
– U não
– Đột quỵ
– Phình động
– Tĩnh mạch
– Nhiễm khuẩn nội sọ: Apxe não, viêm não, viêm màng não – Ký sinh trùng: Ấu trùng sán lợn, giun chỉ
– Nguyên nhân khác: Rượu, rối loạn điện giải, thiếu O2, ngộ độc CO2, heroin, thuốc chống sốt rét, thuốc chống trầm cảm 3 vòng, bệnh Alzheimer… Tổn thương não do đột quỵ có thể dẫn đến động kinh.
3. Phân loại động kinh:
Có nhiều cách phân loại động kinh, để hiểu đơn giản thì động kinh có thể phân loại thành:
– Các cơn động kinh toàn thể (lan tỏa): Phổ biến là cơn lớn (cơn cứng – giật cơ) cơn bé (cơn vắng ý thức).
– Các cơn động kinh cục bộ (từng phần).
– Các cơn động kinh không phân loại.
4. Ảnh hưởng của động kinh đến cơ thể con người:
Có nhiều loại động kinh khác nhau. Một số cơn động kinh là vô hại, nhưng một số có thể nguy hiểm đến tính mạng. Động kinh làm gián đoạn hoạt động của não, các tác động của nó có thể gây ra biến chứng ảnh hưởng đến mọi bộ phận của cơ thể.
a. Hệ tim mạch
Co giật có thể làm tim đập bất thường, đập quá chậm, quá nhanh hoặc không đều. Nhịp tim không đều có thể rất nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng. Các chuyên gia y tế tin rằng một số trường hợp đột tử bất ngờ trong bệnh động kinh là do rối loạn nhịp tim.
b. Hệ sinh sản
Mặc dù hầu hết những người bị động kinh đều có thể có con, nhưng tình trạng này gây ra những thay đổi nội tiết tố có thể cản trở việc có con ở cả nam và nữ. Tình trạng rong kinh và bệnh buồng trứng đa nang phổ biến hơn ở phụ nữ mắc bệnh động kinh. Bản thân động kinh và các loại thuốc điều trị bệnh cũng có thể làm giảm ham muốn tình dục của phụ nữ. Ở nam giới, động kinh cũng làm giảm ham muốn tình dục. Và trong một nghiên cứu liên quan cho thấy khoảng 40% nam giới bị động kinh có lượng hormone testosterone thấp, gây ảnh hưởng đến số lượng tinh trùng. Phụ nữ bị động kinh khi mang thai có nhiều nguy cơ bị co giật hơn. Và cơn động kinh làm gia tăng nguy cơ té ngã, sảy thai và sinh non. Việc sử dụng thuốc điều trị động kinh trong thai kỳ cũng là một yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ. Phụ nữ mắc bệnh động kinh cần theo dõi cẩn thận khi mang thai.
c. Hệ hô hấp
Cơn động kinh có thể ảnh hưởng đến nhịp tim và chức năng thở. Động kinh gây ra nghẹt thở rất hiếm gặp, phổ biến hơn là gây ra khó thở và ho. Hệ hô hấp có thể bị gián đoạn, dẫn đến lượng oxy thấp bất thường và có thể góp phần gây đột tử bất ngờ ở người động kinh.
d. Hệ thần kinh
Động kinh có thể ảnh hưởng đến chức năng hệ thần kinh tự chủ – hệ thống kiểm soát hoạt động vô thức và các chức năng của cơ thể như nhịp tim, tiêu hóa, hô hấp. Nó gây ra các triệu chứng: Tim đập nhanh – Nhịp tim chậm, nhanh hoặc không đều – Ngừng thở – Đổ mồ hôi – Mất ý thức.
e. Hệ cơ
Hệ thần kinh kiểm soát hoạt động của cơ giúp bạn di chuyển, đi lại, nhảy, cầm nắm đồ vật. Trong một cơn động kinh, các cơ có thể co giật mất trương lực dẫn đến cơ mềm nhũn hoặc co giật làm cho các cơ co thắt, giật một cách không chủ ý.
f. Hệ xương
Bản thân động kinh không gây ảnh hưởng đến xương, nhưng các loại thuốc điều trị bệnh có thể làm mất xương và cuối cùng là nguy cơ gãy xương do loãng xương. Nhất là khi bạn có nguy cơ bị té ngã khi bị cơn động kinh. Bệnh động kinh làm tăng nguy cơ chấn thương do té ngã.
g. Hệ tiêu hóa
Co giật có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây ra các triệu chứng như: – Đau bụng – Buồn nôn, ói mửa – Khó tiêu.
5. Cách xử trí động kinh:
a. Điều trị động kinh
Động kinh thường được điều trị bằng thuốc chống động kinh và điều trị nguyên nhân dẫn đến cơn động kinh. Loại thuốc sẽ dựa trên loại động kinh, tần suất, tuổi tác và sức khỏe tổng thể. Bạn không được tự ý thay đổi liều lượng hay ngưng sử dụng thuốc mà không hỏi ý kiến của bác sĩ. Nếu gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng thì cần gọi cho bác sĩ hoặc đi tái khám. Nếu tình trạng động kinh không cải thiện hoặc cải thiện ít khi dùng thuốc chống co giật, có thể xem xét phẫu thuật.
b. Xử trí
– Giữ bình tĩnh.
– Không di chuyển người bệnh đến một vị trí khác.
– Đảm bảo vị trí người đó ngã hoặc đi lại an toàn, loại bỏ các vật dụng xung quanh có thể gây thương tích.
– Đừng cố gắng cố định chân tay khi người bệnh di chuyển, co giật, run rẩy. – Đừng cố gắng đánh thức người bệnh bằng cách hét hoặc lắc người.
– Nhẹ nhàng xoay cơ thể người bệnh nằm nghiêng để tránh bị sặc dịch lỏng hoặc chất nôn.
– Gối đầu, nới lỏng quần áo quanh cổ.
– Đừng cạy miệng hay nhét bất cứ thứ gì vào miệng người bệnh.
– Hầu hết các cơn động kinh không đe dọa tính mạng. Nhưng nếu người bệnh bị động kinh kéo dài hơn 5 phút thì gọi bác sĩ hoặc xe cấp cứu.
Ngoài ra, nếu trước đó người bệnh chưa từng bị động kinh hoặc bạn không chắc cơn co giật có phải do động kinh hay không thì hãy gọi cấp cứu, vì cơn co giật có thể do một nguyên nhân khác, nhất là khi người bệnh đang mang thai hoặc bị đái tháo đường. Nếu cơn động kinh kéo dài hơn 5 phút cần gọi cấp cứu.
– Khi cơn co giật kết thúc, người bị động kinh có thể lảo đảo, mệt mỏi, đau đầu hoặc cảm thấy bối rối, xấu hổ. Hãy để họ nghỉ ngơi. Nếu cần, hãy giúp đỡ liên lạc người thân của người bệnh để đưa họ về nhà an toàn.
c. Sống chung với động kinh
Một số cơn động kinh xảy ra đột ngột và không có dấu hiệu báo trước. Nhưng một số sẽ có dấu hiệu cảnh báo. Bạn nên lưu ý các dấu hiệu này:
– Chóng mặt
– Thay đổi cảm xúc
– Thay đổi thị giác (thấy ảo giác)
– Thay đổi khứu giác (ngửi thấy mùi không có ở đó)
– Thay đổi xúc giác (tê, ngứa ran).
Hãy gọi cho bác sĩ nếu cơn động kinh của bạn:
– Co giật kéo dài hơn 5 phút.
– Bạn bị thương trong cơn động kinh.
– Các triệu chứng trong và sau cơn động kinh thay đổi (khác với những lần trước đó).
– Mất nhiều thời gian hơn để hồi phục sau cơn động kinh.
– Các cơn động kinh xảy ra thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn.
– Cơn động kinh thứ hai xảy ra ngay sau cơn đầu tiên.
– Bạn đang có thai.
– Bạn bị đái tháo đường.
– Bạn có các dấu hiệu của đột quỵ: đau đầu đột ngột, tê hoặc yếu một bên cơ thể, các vấn đề về thị giác và mất khả năng hiểu ngôn ngữ.
Bệnh động kinh ở trẻ em thường có diễn biến tốt hơn. Người bị động kinh không được uống rượu và cần thận trọng khi sử dụng một loại thuốc mới. Vì rượu và một số loại thuốc có thể kích thích gây ra cơn động kinh. Người bị động kinh nên thận trọng và đề phòng hơn với các công việc liên quan đến vận hành máy móc, lái xe hoặc các hoạt động giải trí như leo núi, chèo thuyền, bơi lội, leo cầu thang.
Người bệnh động kinh thường cảm thấy mặc cảm, tự ti về tình trạng bệnh của mình, do vậy gia đình, bạn bè và những người xung quanh cần có thái độ cảm thông, động viên, chia sẻ để họ có thể sống hòa nhập với cộng đồng.
Thạc sỹ, Bác sỹ chuyên khoa tâm thần Lê Hữu Thuận