Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng vi khuẩn cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra, có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch bệnh. Trước diễn biến phức tạp và vô cùng nguy hiểm của bệnh bạch hầu đang diễn ra ở một số tỉnh, địa phương trong cả nước gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Để nâng cao kiến thức, ý thức phòng ngừa bệnh bạch hầu cho viên chức, người lao động và bệnh nhân, Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội triển khai các hoạt động phòng chống bệnh bạch hầu trong toàn Trung tâm.
Treo hình ảnh tuyên truyền về triệu chứng và cách phòng tránh bệnh Bạch Hầu tại các Tổ điều trị
Theo thông tin từ Bộ Y tế bệnh Bạch hầu rất nguy hiểm, có thể gây biến chứng viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong do ngoại độc tố của vi khuẩn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Triệu trứng bệnh thường gặp là Sốt, sổ mũi, viêm họng, nuốt vướng sau vài ngày sẽ xuất hiện màng trắng ngà (giả mạc) ở vòm hầu, họng, hốc amidan có màu xám, dai, dính chặt vào niêm mạc họng, amidan rất khó bóc tách, nếu cố bóc tách sẽ chảy máu; da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ.
Bệnh được lây theo đường hô hấp do người bệnh, người lành mang vi khuẩn bạch hầu, nói, ho, hắt hơi… và theo giọt bắn vi khuẩn hòa vào không khí, khi người lành hít phải. Bệnh lây lan bởi các dụng cụ, đồ dùng trong sinh hoạt của trẻ hoặc mặt sàn do người bị bệnh bạch hầu sử dụng.
Để chủ động phòng chống bệnh Bạch hầu hiệu quả Cục Y tế dự phòng đưa ra các giải pháp phòng chống bệnh như: Tiêm chủng vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh và nghi ngờ mắc bệnh; Luôn giữ cho nhà cửa, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; Khi người có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Không cho tiếp xúc với người lành và cần đeo khẩu trang cho người bệnh và người chăm sóc; phải sát khuẩn tẩy uế đồng thời sát trùng tẩy uế lần cuối tất cả các đồ vật có liên quan tới bệnh nhân bằng Cresy, chloramin, bát đĩa, chăn màn, quần áo…phải được luộc sôi, vở, đồ chơi phải được phơi nắng; Tại nơi có ổ dịch bạch hầu cũ cần tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp viêm họng giả mạc. Nếu có điều kiện phải ngoáy họng bệnh nhân cũ và những người lân cận để xét nghiệm tìm người lành mang vi khuẩn bạch hầu; tiêm chủng vacxin bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng cho những người mắc bạch hầu, người chăm sóc người bệnh bạch hầu.
Cán bộ tuyên truyền về bệnh bạch hầu đến bệnh nhân
Những kiến thức về bệnh bạch hầu được tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau đến với cán bộ và bệnh nhân. Tại 10 Tổ điều trị và khu thăm gặp Trung tâm đều treo pano thông tin về dịch bệnh ở nơi dễ nhìn cho mọi người đều biết. Tuyên truyền trực tiếp đến bệnh nhân về tình hình dịch bệnh, thực hiện những giải pháp để phòng dịch như: rửa tay hàng ngày, khi tiếp xúc người ngoài đeo khẩu trang, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ nơi ở, khi có dấu hiệu báo cho cán bộ y tế được khám và kiểm tra…Với những kiến thức tuyên truyền về phòng chống bệnh bạch hầu đã trang bị mỗi cán bộ có thông tin đầy đủ về bệnh, tự giúp gia đình tránh xa dịch bệnh. Hơn hết, giúp đối tượng phòng tránh hiệu quả, ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát tại Trung tâm.
Công tác tuyên truyền dịch bệnh bạch hầu tại khu vực tiếp dân
Công tác vệ sinh phòng dịch tại nơi ở bệnh nhân
Các hoạt động được triển khai đồng bộ, chặt chẽ trong công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu giúp bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho cán bộ, bệnh nhân tại Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội và góp phần đầy lùi dịch bệnh bạch hầu trong cả nước.
Đỗ Thị Oanh