Chương trình thăm quan và chia sẻ kiến thức trong quản lý, chăm sóc người tâm thần của Khoa Nhà nước và Pháp luật – Học viện Báo chí và Tuyên truyền tại Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội

Chiều ngày 09/11/2024, Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội vinh dự đón tiếp các thầy cô giáo Khoa Nhà nước và Pháp luật, tập thể lớp Cao học Quản lý xã hội K29.2 – Học viện Báo chí và Tuyên truyền về thăm và làm việc tại Trung tâm. Đón tiếp đoàn có đồng chí Nguyễn Đức Phong – Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Trung tâm; các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Giám đốc, trưởng, phó các phòng chức năng trong Trung tâm.

Mở đầu chương trình, đồng chí Nguyễn Đức Phong – Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc đơn vị chia sẻ, giới thiệu khái quát về lịch sử, cơ cấu bộ máy, chức năng nhiệm vụ của Trung tâm. Đặc biệt đồng chí chia sẻ xu hướng phát triển của Trung tâm thời gian sắp tới, những khó khăn trong chăm sóc người tâm thần và công việc của cán bộ hàng ngày chăm sóc bệnh nhân…

Đồng chí Nguyễn Đức Phong – Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Trung tâm chia sẻ tại buổi làm việc

Phát biểu tại chương trình, Tiến sĩ Trần Thị Bình – Phó Bí thư Chi bộ, Phó trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật – Học viện Báo chí và Tuyên truyền rất cảm động trước sự chia sẻ của đồng chí Giám đốc Trung tâm, đây có thể nói là công việc hết sức nhân văn và đầy tình người. Trước đối tượng yếu thế là người tâm thần trong xã hội, Trung tâm đảm bảo và đề cao quyền con người. Với những gì Trung tâm làm được cho người bệnh, Trung tâm không chỉ là nơi chăm sóc sức khoẻ mà còn là điểm tựa tinh thần cho gia đình và người bệnh. Tiến sĩ giới thiệu qua lịch sử hình thành và phát triển của khoa Nhà nước và Pháp luật – Học viện Báo chí và Tuyên truyền, những khó khăn thách thức của khoa phải đối mặt. Cuối cùng Tiến sĩ Trần Thị Bình cảm ơn Trung tâm đã có buổi đón tiếp tình cảm, ấm áp và có những chia sẻ ý nghĩa giúp sinh viên có nhiều trải nghiệm thực tiễn giúp ích cho việc học tập.

Tiến sĩ Trần Thị Bình – Phó Bí thư Chi bộ, Phó Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật chia sẻ buổi làm việc

Đến với buổi thực tế, rất nhiều bạn lớp Cao học K29.2 có những câu hỏi muốn tìm hiểu sâu về Trung tâm để phục vụ cho việc thực tế của mình. Đại diện lớp, bạn Lê Thị Ly – lớp trưởng gửi đến Trung tâm câu hỏi: Chế độ với cán bộ làm việc ở môi trường độc hại như thế nào? Chế độ của bệnh nhân hiện đang hưởng có đáp ứng nhu cầu thực tế không? Những khó khăn trong thực hiện chính sách với người tâm thần?…

Đến thăm và làm việc, Tập thể Khoa Nhà nước và Pháp luật, lớp Cao học Quản lý xã hội K29.2 có món quà trao tặng cho Trung tâm. Món quà tuy nhỏ nhưng thể hiện tình cảm, sự quan tâm chia sẻ dành cho cán bộ và người bệnh nơi đây.

Đoàn nghiên cứu thực tế Khoa Pháp Luật và Nhà nước, tập thể lớp cao học K29.2 có món quà nhỏ tặng Trung tâm

Ngay sau buổi làm việc, đoàn đã được đi thăm quan khu nhà ở của bệnh nhân, được chuyện trò, hoà mình vào cuộc sống của những con người bị xã hội kì thị, xa lánh. Do ấn tượng và chia sẻ ban đầu của đồng chí lãnh đạo, người bệnh ở đây rất là đáng yêu và vui tính nên thay bằng sự sợ hãi chính là sự đồng cảm, tình yêu thương với người yếu thế trong xã hội.

Đoàn tham quan nơi ăn ở của bệnh nhân Trung tâm

Chương trình tham quan và làm việc kết thúc, đoàn nghiên cứu thực tế Khoa Nhà nước và Pháp luật, tập thể lớp Cao học Quản lý xã hội K29.2 chia tay cán bộ và bệnh nhân mang theo nhiều cảm xúc, dư âm và cả những kiến thức quý báu giúp ích trong việc học tập. Hi vọng những nhà quản lý hoạch định chính sách, pháp luật Nhà nước tương lai sẽ có nhiều chính sách mang lại quyền lợi cho người yếu thế trong xã hội và quan trọng hơn là chia sẻ đến cộng đồng để có cái nhìn tôn trọng, yêu thương những người yếu thế, thiệt thòi trong xã hội.

Đỗ Thị Oanh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo