Đôi bàn tay của những người phụ nữ “tàn nhưng không phế”

Sinh ra trong cuộc đời, ai cũng mong có được một thân hình trọn vẹn cả về thể chất và tinh thần. Nhưng vì số phận hay một biến cố nào đó, có những con người đã trở thành người khuyết tật, trớ trêu hơn lại là khuyết tật về thần kinh tâm thần.

Tại Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội, mỗi ngày đều có những “mầm hi vọng” mạnh mẽ vươn lên. Ở một góc diễn ra các hoạt động trị liệu, phục hồi chức năng, những đôi bàn tay run rẩy, lóng ngóng của người bệnh nay đang cần mẫn khâu từng mũi chỉ. Họ đang hoàn thiện những chú gấu bông – dù đôi khi còn xiêu vẹo, chưa lành lặn – nhưng chứa đựng trong đó là cả một quá trình vượt qua chính mình.

Nhân viên phòng CTXH&PTCĐ hướng dẫn người bệnh làm gấu bông

Gấu bông chưa lành, nhưng người khâu đã và đang từng ngày được chữa lành. Mỗi sản phẩm hoàn thiện không chỉ là món quà tinh thần, mà còn là bằng chứng sống động rằng người bệnh dù mang tổn thương về tâm thần kinh vẫn có thể lao động, sáng tạo và góp phần làm đẹp cho đời.

Nụ cười rạng rỡ của người bệnh

Bệnh tật có thể làm người bệnh từ người bình thường trở thành người khuyết tật, nhưng không thể tước đi phẩm giá, niềm tin và khát vọng sống của con người. Với sự hỗ trợ về chuyên môn, tình yêu thương và sự kiên nhẫn của đội ngũ cán bộ Trung tâm, mỗi bệnh nhân tâm thần nơi đây đều có cơ hội tìm lại giá trị bản thân, hòa nhập cộng đồng, đúng như tinh thần “tàn nhưng không phế”.

Nguyễn Thị Thu Hương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo