Hành trình tìm lại bình yên

Có những nỗi đau tưởng như chẳng thể gọi thành tên. Có những hành trình tìm lại sự bình yên chất chứa biết bao nước mắt, kiên trì và hy vọng. Với những người mắc bệnh tâm thần, đó là cả một chặng đường dài dằng dặc, nơi mà họ không thể bước đi một mình.

Tại Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội, hơn 700 bệnh nhân là hơn 700 số phận éo le, nghiệt ngã. Mỗi người đều đang gắng gượng từng ngày, với mong ước giản dị, được sống một cuộc đời bình thường như bao người khác. Trong số ấy, có câu chuyện của chị Nguyễn Thị Mai Liên – người phụ nữ nhỏ bé nhưng đầy nghị lực – đã để lại trong tôi những rung động sâu sắc.

Chị Nguyễn Thị Mai Liên đọc sách tại Tổ

Ký ức về những ngày đau đớn

Chị Liên được tiếp nhận vào Trung tâm ngày 19/4/2023. Ngày ấy, cơ thể chị gầy yếu, tinh thần rối loạn, la hét, kích động, khi tỉnh khi mê. Chị được chuyển vào Tổ kích động A4 để điều trị, chăm sóc.

Ngày chị vào, mẹ chị cũng có mặt, ánh mắt đầy tuyệt vọng nhưng vẫn đau đáu một niềm tin mong manh. Bà kể câu chuyện về cô con gái với giọng nói nghẹn ngào: “Liên từ nhỏ đã mắc bệnh động kinh, nhưng con bé vẫn học hành chăm chỉ. Tốt nghiệp cấp 3, cháu còn đi học làm cô giáo mầm non. Vậy mà số phận cứ mãi trêu ngươi… Sau khi sinh đứa con gái đầu lòng, bệnh tái phát nặng hơn, chồng cháu bỏ đi, để lại hai mẹ con bơ vơ. Liên từng tìm đến cái chết nhiều lần nhưng đều được gia đình cứu kịp. Sau này, tưởng đã qua cơn bi cực, Liên quen người chồng thứ hai. Khi đang mang thai đứa con thứ hai được 3 tháng, người chồng ấy cũng bỏ đi. Từ đó, Liên suy sụp hoàn toàn, trầm cảm nặng, gia đình đưa đi chữa trị khắp nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm…”

Nói đến đây, người mẹ già gạt vội dòng nước mắt. Đứa con gái lớn của chị Liên được cha nuôi dưỡng, còn đứa con trai nhỏ ở với bà. Vừa phải làm mẹ, làm bà, bà  là chỗ dựa duy nhất cho cả hai đứa trẻ và cô con gái bất hạnh.

Bình yên đến từ yêu thương

Tại Trung tâm, chị Liên không chỉ được điều trị bằng thuốc men, mà còn được xoa dịu bằng tình thương, sự tận tụy của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ. Họ kiên nhẫn lắng nghe, chia sẻ, giúp chị từng bước phục hồi qua các liệu pháp tâm lý, lao động trị liệu, và cả những cử chỉ quan tâm giản dị nhất. Anh Nguyễn Xuân Thơm, Tổ trưởng Tổ điều trị A4, nơi chị Liên đang được chăm sóc, chia sẻ: “Hơn 2 năm qua, chị Liên đã thay đổi rất nhiều. Từ một người thường xuyên kích động, chị giờ đây đã ổn định sức khỏe, tinh thần minh mẫn hơn, không còn xuất hiện các cơn động kinh. Chị tham gia các hoạt động tại Tổ, giúp đỡ những bệnh nhân yếu hơn, học nghề may, đọc sách. Chị còn có ước mơ giản dị: sở hữu một chiếc máy may của riêng mình, để có thể may áo quần cho những người cùng hoàn cảnh.” Chứng kiến sự hồi sinh từng ngày của chị Liên, ai cũng cảm nhận được nghị lực mạnh mẽ ẩn sau dáng người nhỏ nhắn ấy.

Một số hoạt động trị liệu tại Trung tâm:

Gia đình – điểm tựa không thể thay thế

Gặp lại con gái sau những tháng ngày điều trị, mẹ chị Liên xúc động nói: “Liên giờ khác lắm, nhanh nhẹn hơn, tỉnh táo hơn. Cháu kể chuyện ở Trung tâm, bảo tôi yên tâm, các cô chú ở đây tốt lắm. Cháu còn lo cho tôi vất vả, lo cho hai đứa nhỏ ở nhà. Cháu hứa sẽ cố gắng điều trị tốt để sớm được về bên mẹ, bên các con”. Đằng sau nụ cười của người mẹ là những năm tháng âm thầm hy sinh, chịu đựng và nuôi dưỡng hy vọng.

Gia đình thăm chị Liên tại Tổ

Mái nhà hồi sinh

Hành trình tìm lại sự bình yên cho người bệnh tâm thần là một chặng đường đầy thử thách. Nhưng với sự yêu thương của gia đình, sự kiên cường của chính người bệnh và sự đồng hành tận tụy của đội ngũ cán bộ Trung tâm Chăm sóc và Phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội, những điều kỳ diệu vẫn đang diễn ra mỗi ngày. Trung tâm chính là nơi chắp cánh cho những số phận lỡ làng, giúp họ viết tiếp câu chuyện của cuộc đời mình – một cách trọn vẹn và ấm áp hơn.

Đỗ Thị Oanh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo