Trầm cảm ở người cao tuổi: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, phương pháp phòng tránh trầm cảm ở người cao tuổi

Trầm cảm (depression) biểu hiện bằng sự buồn phiền, chán nản và mất niềm tin kéo dài. Những triệu chứng này thường đi kèm theo sự suy giảm nghị lực, mất tập trung, mất ngủ, chán ăn và dẫn đến gầy yếu. Khi tuổi tác ngày càng cao, người già rất dễ chán nản, buồn rầu nếu không nhận được quan tâm và chăm sóc đầy đủ, họ sẽ dễ bị trầm cảm. Trầm cảm thường đồng hành với các loại bệnh tật là một vấn đề đặc thù của người cao tuổi: bệnh lý tuyến giáp, thấp khớp, đột quỵ, tiểu đường hoặc Parkinson… đôi khi làm che giấu các triệu chứng của trầm cảm.

Thực tế cho thấy, người cao tuổi bị trầm cảm có thể không biết mình bị trầm cảm. Thay vào đó, họ than phiền về triệu chứng bệnh cơ thể như rối loạn tiêu hoá, triệu chứng bệnh tim, đau nhức cơ, rối loạn trí nhớ và khả năng tập trung, nói chung là thể lực sút kém. Khi đó, rất khó để kết luận đâu là triệu chứng bệnh thực thể, đâu là do trầm cảm.

Đây là vấn đề rất nhiều người cần có sự quan tâm. Trong bài viết này sẽ cung cấp cho độc giả những kiến thức cơ bản về trầm cảm ở người cao tuổi và việc điều trị căn bệnh này là cả một quá trình dài phải cần đến sự trợ giúp của các bác sĩ.

Ảnh minh họa: Bệnh trầm cảm ở người cao tuổi đang trở nên đáng báo động

Những dấu hiệu bệnh trầm cảm ở người cao tuổi:

+Về tinh thần:

Thường xuyên xuất hiện ảo giác, trí nhớ suy giảm; Không còn để tâm hay thể hiện sự yêu thích tới các hoạt động mà trước đây rất hứng thú.

Cảm giác bồn chồn, tâm trạng lo lắng đứng ngồi không yên; Thường xuyên kể lể, than vãn, thi thoảng có những dấu hiệu lên cơn hoảng sợ.

Khuôn mặt chán nản và thường bị mất niềm tin vào mọi chuyện; Dễ cáu gắt, giận dữ và cảm thấy bản thân sống không có ý nghĩa.

Luôn có những suy nghĩ bi quan về mọi chuyện và không còn muốn sống; Trí nhớ bị suy giảm, nhớ lại những chuyện không vui trong quá khứ.

+ Về thể chất:

Không có năng lượng, xuất hiện tình trạng chán ăn, khó ngủ hay thậm chí là thức trắng đêm.

Gặp vấn đề về hệ tiêu hóa như: táo bón kéo dài, rối loạn tiêu hóa; Ăn uống không ngon miệng hoặc ăn uống thất thường.

Có các vấn đề về thể chất như: đau ngực, đau lưng, nhức đầu nhưng uống thuốc mãi không khỏi; Hoạt động chậm chạp hơn bình thường và thường mất sức, nhanh mệt.

Không còn quan tâm đến vấn đề ăn mặc, vệ sinh cá nhân; Tăng hoặc sụt cân thất thường.

Nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm ở người cao tuổi:

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người cao tuổi mắc bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, có một số nguyên nhân phổ biến dưới đây:

Do phải trải qua một sự kiện, biến cố nào đó dẫn đến căng thẳng quá mức. Có thể là bạn đời mất, gia đình ly tán, con cái bất hiếu, không có việc làm, gánh nặng kinh tế, thay đổi chỗ ở mới, hoặc di chứng để lại sau những cơn bệnh nặng như tai biến, tim mạch,… đã khiến người lớn tuổi cảm thấy hoang mang, rối loạn tâm lý.

Do yếu tố di truyền: nếu có một thành viên nào trong gia đình đã từng có tiền sử mắc bệnh trầm cảm thì người già trong gia đình đó cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Gen di truyền không nhất thiết phải là cha mẹ mắc bệnh truyền cho con cái, chỉ cần những người có cùng huyết thống thì đều có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Theo một số nghiên cứu khoa học thì phụ nữ thường có tỉ lệ mắc bệnh cao gấp 2 lần so với nam giới.

Do tác dụng phụ gây ra bởi các loại thuốc trị bệnh khác.

Một số người lạm dụng chất kích thích hoặc nghiện rượu.

Một số căn bệnh như Parkinson (rối loạn thần kinh) cũng dẫn tới chứng trầm cảm ở người cao tuổi. Tuy nhiên trầm cảm xuất phát từ những căn bệnh thường sẽ điều trị dễ dàng hơn so với trầm cảm từ những tổn thương tâm lý.

Việc cô đơn tuổi già, không có người thân hoặc con cháu chăm sóc cũng là nguyên nhân chính gây nên trầm cảm ở người cao tuổi.

Trầm cảm ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe của người cao tuổi:

Trầm cảm có thể khiến người cao tuổi gặp các vấn đề về tim mạch, đột quỵ, thiếu chất. Những người cao tuổi bị trầm cảm sẽ mất đi cảm giác ngon miệng. Việc này khiến họ chán ăn, sụt cân mất kiểm soát hoặc mắc những chứng bệnh nguy hiểm như thiếu máu, thiếu canxi gây loãng xương, suy dinh dưỡng, tim đập nhanh, yếu ớt,…

Những người cao tuổi bị trầm cảm sẽ xuất hiện chứng mất ngủ triền miên khiến cơ thể mất đi sức khỏe và ốm yếu. Thiếu ngủ cũng làm tăng nguy cơ người già bị rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, tiểu đường, đột quỵ dẫn đến tử vong.

Cảm giác buồn chán, thất vọng, suy sụp cùng những suy nghĩ tiêu cực luôn khiến họ cảm thấy mệt mỏi. Những cảm giác này cũng sẽ gây áp lực lên tim khiến người cao tuổi dễ mắc những bệnh về tim mạch hơn.

Ảnh hưởng tới trí nhớ. Một số người lớn tuổi nhầm tưởng rằng họ mắc bệnh mất trí nhưng thực chất họ đang bị trầm cảm ảnh hưởng. Lo lắng hay suy nghĩ về những điều sắp tới hoặc ám ảnh bởi những điều trong quá khứ cũng có thể làm suy giảm trí nhớ của người cao tuổi. Bệnh trầm cảm còn khiến người lớn tuổi bị ốm yếu, mệt mỏi trong thời gian dài.

Ảnh minh họa: Hãy yêu thương và chăm sóc người cao tuổi để giúp họ không cảm thấy cô đơn

Phương pháp giúp người già thoát khỏi trầm cảm:

Luôn bên cạnh người lớn tuổi trò chuyện, tâm sự càng nhiều càng tốt để tránh cảm giác bị bỏ rơi. Hãy yêu thương và chăm sóc, chia sẻ và giúp họ; không để họ cảm thấy cô đơn.

Tạo cho người cao tuổi có môi trường sống thoải mái, vui vẻ, ấm cúng bên con cháu. Hạn chế những cú sốc quá lớn về mặt tâm lý và tránh những lao động quá vất vả để kiếm sống.

Khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động tập thể như câu lạc bộ thơ, tổ hưu trí, tập dưỡng sinh, đi bộ, đạp xe, đi du lịch…

Người cao tuổi không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia; có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý và điều độ, ăn uống đầy đủ vitamin và khoáng chất.

Hãy tham khảo một vài loại trà có tác dụng thư giãn, giúp người cao tuổi có thể ngủ ngon hoặc gặp bác sĩ để kê đơn những loại thuốc giúp an thần khi cần thiết.

Hãy kiểm soát giờ giấc uống thuốc của người cao tuổi một cách thận trọng theo lời tư vấn và kê đơn từ bác sĩ.

Ths.Bs chuyên khoa tâm thần Lê Hữu Thuận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo